Game Talks Số Thứ 2: "AI Sẽ Là Trào Lưu Tiếp Theo Của Ngành Game"
-
Chuỗi tọa đàm Game Talks là hoạt động đồng hành trong sự kiện Ngày hội Game Việt Nam 2023. Trước bối cảnh nhiều thách thức phải đối mặt, tọa đàm Game Talks số 2 với chủ đề "Game Blockchain - Tương lai sau cơn sốt" phát sóng vào 9h sáng 22/2 trên VnExpress đặt ra những vấn đề sau: "Mùa đông crypto" ảnh hưởng như thế nào đến làn sóng GameFi? Người dùng chịu tác động ra sao? Người dùng cần chuẩn bị gì cho tương lai của GameFi?... Hãy cùng Game6 tìm hiểu nhé.
Hai khách mời của chương trình là ông Nguyễn Hữu An - Đồng sáng lập và CTO Công ty Công nghệ SotaTek 2 và ông Hoàng Mạnh Hà - Giám đốc sản phẩm Công ty Công nghệ TomoChain nhận định các hướng đi mới của GameFi đã có những chia sẻ chuyên sâu về mảng Game Blockchain trong giai đoạn bùng nổ năm 2021- 2022, và các nhận định chuyên môn về thị trường hiện tại.
Anh Nguyễn Hữu An - CTO của SotaTek, góp mặt trong buổi Game Talks #2 trực thuộc Ngày Hội Game Việt Nam 2023.
Q: Làn sóng GameFi trong năm 2021 đã biến Việt Nam thành một điểm sáng, thu hút sự đầu tư của nhiều tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Hai anh có nhận định gì về sự tích cực về làn sóng này mang lại?
A: Hầu hết những tựa game đình đám trên thế giới không đến từ Việt Nam, tuy nhiên ở Việt Nam có rất nhiều studio nhỏ và các công ty đang thực hiện gia công cho những "ông lớn" này. Và khi làn sóng GameFi đến, điều này biến người Việt đứng sau cánh gà được xuất hiện trên sân khấu lớn và thể hiện bản thân sau cú hích của Flappy Bird trong quá khứ. Họ sẽ có thêm nhiều ý tưởng, hướng đi mới để phát triển trong ngành game.
Q: Cho đến thời điểm hiện tại, có thể nói đây là thời điểm rất khó khăn cho thị trường Gaming và cả Blockchain nói chung, hay còn gọi là "Mùa đông Crypto", theo các anh, các nhà phát triển game nên chú ý những điều gì để đón tiếp những làn sóng tiếp theo?
A: Trong thời kỳ GameFi downtrend thì có rất nhiều nhóm phát triển quyết định ngừng dự án hoặc phát triển cầm chừng vì họ chưa có sự hoạch định, chuẩn bị tốt cho điều này, cũng chưa có phương án phù hợp. Và thực ra cũng không có công thức chung nào để ứng phó vấn đề này, mà nó phải tùy thuộc vào tình hình nguồn lực còn lại của nhóm và tình hình cộng đồng người chơi.
Một số ít những dự án GameFi còn lại trên thị trường vẫn duy trì được tệp khách hàng ủng hộ, một số ít dự án vẫn đang trong quá trình thai nghén, gọi vốn, chưa ra mắt chính thức. Bây giờ cách tốt nhất là sẽ phải tối ưu hóa chi phí, vận hành... để sống sót qua cơn bão này.
Q: Theo anh, việc gây dựng và củng cố niềm tin ở các dự án GameFi sắp tới có khả thi không? Và làm cách nào để tạo sự tin tưởng cho những người dùng mới sau khi vượt qua mùa đông này?
A: Đúng là cộng đồng đã bị sụt giảm niềm tin, mất sự hứng khởi rất nhiều sau cơn bão này. Thay vì tập trung quá nhiều vào tài chính, thì hãy xây dựng một gameplay có chiều sâu hơn, tập trung vào giải trí hơn để thu hút thêm người dùng. Bên cạnh đó, phát triển nền kinh tế ingame để chuẩn bị cho sự hồi phục trong thời gian tới. Các nhóm phát triển cũng phải duy trì cộng đồng còn lại vì chính người dùng là người bỏ tiền ra cho sản phẩm, đây là cơ hội để nuôi dưỡng và mở rộng mạnh mẽ hơn.
Q: Trong thời gian tới, GameFi sẽ còn phát triển nữa hay không, hoặc sẽ có xu hướng mới, làn sóng công nghệ mới?
A: GameFi là một thuật ngữ mới tạo ra, tuy nhiên bản chất tài chính trong game đã có từ rất lâu rồi. Từ những game đời đầu, người chơi đã giao dịch, mua bán vật phẩm ingame với nhau và trả bằng tiền pháp định. Thì việc phát triển NFT Marketplace giúp người dùng giao dịch minh bạch và an toàn hơn. Và tôi tin rằng Crypto hay NFT là một công nghệ bổ trợ cho game, chứ không hề tách biệt khỏi game truyền thống.
Và tôi cho rằng sớm hay muộn AI sẽ trở thành trào lưu mới trong game, như mọi người đã biết sự bùng nổ của ChatGPT trong thời gian vừa qua. Việc ứng dụng AI có thể giúp nhân vật được tích hợp trí thông minh, có thể tương tác với người chơi, từ đó tạo thế giới game sinh động hơn chẳng hạn.
AI còn giúp sáng tạo cốt truyện, nội dung cho game, không chỉ đóng khung trong một nội dung cũ, mà mở rộng ra thu hút sự quan tâm, tính tò mò của người dùng hơn.
Q: Với những trào lưu mới như vậy, không biết các nhà phát hành game Việt chúng ta có khả năng tận dụng những xu hướng đó hay không?
A: Tôi tin rằng người Việt có đủ nội lực vì họ đã gia công cho nhiều dự án lớn cũng như đã đưa những dự án của bản thân ra mắt thị trường trong làn sóng GameFi này. Dù thất bại hay thành công thì các nhóm phát triển cũng đã nắm được chu kỳ của một dự án game là như thế nào. Bên cạnh đó, người Việt cũng thích nghi rất tốt với công nghệ mới nên đây sẽ là cơ hội cho chúng ta.
Chuỗi tọa đàm Game Talks là hoạt động đồng hành trong sự kiện Ngày hội Game Việt Nam (Vietnam GameVerse 2023). Ngày hội Game Việt Nam là sự kiện do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), báo VnExpress cùng Liên minh Game Việt Nam phối hợp tổ chức. Từ tháng 2 đến tháng 4, chuỗi sự kiện diễn ra với đa dạng hoạt động như tọa đàm Game Talks, đấu trường Game Arena, không gian trưng bày Game Workshop, Diễn đàn về xu hướng ngành game Việt và Giải thưởng Game Việt Nam 2023.
Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, phát biểu trong lễ công bố Vietnam GameVerse 2023.
Người chơi, độc giả cũng có thể tham gia đề cử các tựa game, sản phẩm trực tiếp trên trang của chương trình: https://vnexpress.net/so-hoa/vgv
Game6 sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất của Ngày Hội Game Việt Nam đến với độc giả, hãy cùng đón chờ nhé!
(Nguồn: vnexpress.net)