Những lần Ban tổ chức LCK bị phát hiện ngấm ngầm ‘tẩy chay’ Faker và nguyên nhân đằng sau hiện tượng… lạ lùng này
-
Faker có thực sự bị Ban tổ chức LCK xử ép? Và nếu có thì đâu là lý do khiến họ đối xử với “con cưng” của mình theo cách “lạ lùng” như vậy?
Chưa bàn tới việc Faker có chính xác là tuyển thủ Esports vĩ đại nhất trên thế giới hay không, nhưng phải khẳng định rằng, nếu chỉ tính riêng ở Hàn Quốc, không một ai có thể so sánh với Quỷ Vương ở phương diện này. Từ danh hiệu, tiếng tăm, tầm ảnh hưởng… cho tới những vấn để “lặt vặt” như lối sống chuẩn mực, khiêm tốn và chan hòa, tất cả những ai từng quen biết Faker đều khẳng định một điều rằng anh là bậc thầy không chỉ về kỹ năng, mà còn về nhân cách.
Xét trên bình diện quốc tế, Faker là tuyển thủ Esports duy nhất được mời ký séc trắng (tấm séc mà anh sẽ tự điền mức tiền lương mà mình mong muốn), là tuyển thủ Hàn Quốc duy nhất khiến cộng đồng LMHT Trung Quốc – Những đối thủ không đội trời chung, hết lời mời gọi sang LPL thi đấu, một đặc quyền mà ngay cả Rookie hay Doinb cũng chưa từng được trải qua trong đời. Về phía LCK, có lẽ nhiều người hâm mộ sẽ nghĩ rằng có được một trong “Tứ đại quốc bảo Đại Hàn Dân Quốc” trong tay, giới chức LMHT Hàn Quốc hẳn phải hết mực cưng chiều Quỷ Vương?
Nhưng có vẻ như tất cả đã nhầm, qua sự kiện liên quan đến vụ drama “Chronobreak” trong trận đấu giữa T1 vs DWG KIA, người ta mới nhận ra rằng Faker không hề được đối xử một cách công bằng, chứ đừng nói đến việc nhận sự ưu ái từ phía LCK. Thậm chí, nhiều người hâm mộ còn chỉ ra rằng, đây không phải lần đầu tiên, phía Ban tổ chức giải đấu LMHT Hàn Quốc thể hiện một động thái “ngầm” tẩy chay, hay nói nhẹ nhàng hơn là cố gắng rũ bỏ hình ảnh Faker khỏi giải đấu này, bất chấp việc anh vẫn còn đang thi đấu. Hãy cùng điểm qua những biểu hiện khác thường này:
Sự kiện Chronobreak
Vụ việc mới đây nhất diễn ra tại LCK Mùa Xuân 2022 đã khiến làn sóng chỉ trích, thậm chí là kêu gọi tẩy chay Ban tổ chức tăng vọt. Các cụm từ khóa liên quan tới sự kiện này lập tức lọt top trending trên cả YouTube lẫn Twitter. Mà nguồn cơn phải kể đến việc tổ trọng tài LCK cố tình phớt lờ đề nghị Pause game để kiểm tra lỗi tai nghe đến từ Faker.
Theo ghi nhận từ khán giả cũng như đoạn mic-check, Faker đã không dưới 3 lần báo cáo về trục trặc liên quan đến âm thanh và đề nghị Pause game, nhưng trọng tài đã “cố tình lờ đi” và không cho phép anh thực hiện điều đó. Chỉ đến khi Gumayusi lớn tiếng yêu cầu, họ mới bắt đầu chịu lắng nghe và đồng ý Pause game.
Những vấn đề sau đó liên quan đến vụ tranh cãi của Daeny thì cũng không cần nhắc lại nữa, điểm mấu chốt là tổ trọng tài LCK đã làm sai nguyên tắc, khi cố tình lờ đi lỗi âm thanh mà Faker report. Phía Ban tổ chức sau đó đã gửi lời xin lỗi, nhưng không phải xin lỗi T1 hay Faker, mà là “xin lỗi chung chung” vì đã đánh giá sai vấn đề lỗi game, và làm gián đoạn trận đấu quá lâu. CEO T1 – Joe March thậm chí đã lên MXH bóng gió rằng chẳng qua HLV Polt quá hiền, chứ phải ông mà có mặt ở đó là… tới công chuyện rồi.
Tên của Faker bị che lấp trong ấn phẩm kỷ niệm 10 năm LCK
Như đã nói, việc Faker bị phía LCK đối xử một cách thiếu công bằng, không phải chỉ xuất hiện trong trận đấu với DK, trước đó, trong một intro kỷ niệm 10 năm thành lập giải đấu LMHT Hàn Quốc – LCK, người hâm mộ xứ kim chi cũng đã tỏ ra khá bức xúc khi tìm đỏ mắt mà không thấy tên của Faker ở đây, giữa danh sách hàng trăm tuyển thủ, đội tuyển được xếp vào hàng “huyền thoại” của giải đấu.
Soi cho kỹ thì mới thấy được một ký tự gần giống chữ F lấp ló đằng sau con số 10, đúng là LCK rất “ưu ái” khi để tên Faker vào vị trí trung tâm intro, nhưng việc che tên anh một cách triệt để bằng cách chèn ký tự khác lên, nếu là một lỗi vô tình, thì người design sản phẩm này có lẽ sẽ khó mà yên thân được với các fan LMHT yêu mến Quỷ Vương.
Mất dạng trong danh sách POG
Hôm 24/2, lại một lần nữa, phía LCK thể hiện một động thái khó hiểu, khi mà trong poster thống kê danh sách POG (Player of the Game, có ý nghĩa tương tự như MVP), của LCK Mùa Xuân 2022 Faker đồng hạng 2 với 600 điểm POG, nhưng hình ảnh của anh lại không được xuất hiện.
Faker đồng hạng 2 trên BXH POG, nhưng lại không được xuất hiện trên poster, thay vào đó là Gumayusi
Sự vô tình hay ý đồ sâu xa của Ban tổ chức LCK?
Chắc chắn không phải là vô tình, khi 5 lần 7 lượt phía LCK tỏ thái độ lạnh nhạt với Faker. Tại sao lại khẳng định như vậy? Bởi lẽ, chỉ cần nhìn vào vị thế của đội trưởng T1 hiện tại, không một nhà tổ chức nào được tin tưởng điều hành một sự kiện tầm cỡ quốc gia như LCK, lại có thể “bỏ quên” anh như vậy. Ngay cả trong vụ việc Chronobreak, dù lỗi lớn thuộc về cá nhân vị trọng tài kia, thì người hâm mộ vẫn có lý do để đặt câu hỏi: Sự phớt lờ đó phải chăng là một thói quen?
Vậy câu hỏi tiếp theo đặt ra là tại sao phía LCK lại có một thái độ không đúng mực với huyền thoại của họ như vậy? Giả thuyết đặt ra để giải đáp vấn đề này có thể bao gồm những điểm sau:
Tầm ảnh hưởng của Faker quá lớn: lớn đến mức không thể kiểm soát nổi: Ngay cả khi đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp, Quỷ Vương vẫn là lý do lớn nhất khiến một bộ phận không nhỏ khán giả LMHT theo dõi LCK. Về mặt bề nổi thì rõ ràng những người được lợi vẫn sẽ là Ban tổ chức giải đấu này, nhưng sự nổi tiếng quá mức của Faker đôi khi lại nảy sinh ra những vấn đề khác: Tên tuổi của anh từ lâu đã vượt trên cả tên tuổi của LCK.
Và hãy thử đặt một ví dụ: Một nhãn hàng nào đó muốn tìm kiếm đối tượng để tài trợ trong lĩnh vực Esports, thay vì tài trợ cho giải đấu LCK, thì tại sao lại không tìm đến một lựa chọn “ngon lành cành đào” hơn: Faker và T1. Thực tế là, nhìn vào danh sách tài trợ của LCK so với các nhà tài trợ của T1, thì tổ chức này thậm chí “ăn đứt” cả giải đấu cũng như toàn bộ các đội tuyển khác về chuỗi hợp đồng tài trợ khủng của họ. Từ Samsung, Nike cho đến BMW…
Nói dễ hiểu thì chính vì Faker quá nổi tiếng, quá vĩ đại, nên anh vô tình lại “hút” mất cả những cơ hội béo bở của hệ thống giải đấu LMHT Hàn Quốc. Dĩ nhiên, Faker không chủ đích làm điều này, nhưng ai mà quản được chuyện các công ty, tập đoàn tìm kiếm đối tác ưng ý nhất cho mình để làm truyền thông? Với họ, tiền không phải vấn đề, vấn đề là chi tiền làm sao cho hiệu quả, cho “đã tay”, mà đã tay nhất, chính là chi tiền để hợp tác với G.O.A.T. Quá rõ ràng phải không nào?
Đấy là chưa kể, trong danh sách các kỷ lục và danh hiệu của LCK, riêng Quỷ Vương đã chiếm tới 60% rồi, có thể T1 vài năm gần đây không còn mạnh nữa, nhưng nhìn vào lịch sử 10 năm của giải đấu này, bảo đây là giải đấu của Faker và những người bạn thì cũng không quá chút nào.
Bài toán tương lai “hậu Faker”: Từ câu chuyện trên, LCK lại phải đối đầu với một vấn đề nan giải khác, đó là một tương lai vắng bóng Faker. Rõ ràng, nếu một ngày anh chàng này giải nghệ, LCK sẽ đánh mất đi phần lớn sức hấp dẫn của mình. So sánh cả về chất lượng giải đấu lẫn chuyên môn thì hiện tại họ đã kém hơn đại kình địch LPL rồi, lý do duy nhất khiến một bộ phận đông đảo người hâm mộ LMHT vẫn còn duy trì được niềm đam mê với giải đấu này chỉ có Faker mà thôi.
Dù là fan hay non-fan, anti-fan, dù là xem để chứng kiến Faker chiến thắng hay mong ngóng, hả hê những lần anh thất bại, thì chung quy cũng được tính ra view tất tần tật, và sức hút của Faker cũng từ tất cả những nguồn này mà ra. Nếu một ngày Faker không còn thi đấu nữa, mà LCK lại không có một ngôi sao nào có đủ cả tài năng lẫn danh tiếng để kế thừa anh thì quả thật là gay go.
Có lẽ vì những lý do trên, mà BTC LCK bắt buộc phải có những phương án để dần “loại bỏ” tầm ảnh hưởng của Faker lên giải đấu này. Phần vì tránh xung đột lợi ích, phần để tạo “khoảng trống” cho những tài năng mới đi lên, qua đó tìm kiếm ra một biểu tượng mới để sẵn sàng khỏa lấp khoảng trống mà anh để lại. Dĩ nhiên, đây cũng chỉ là một luồng suy luận từ phía cộng đồng, nhưng nó không phải là vô lý, và với tất cả những biểu hiện từ phía LCK đối với Faker, thì ngay cả khi lý do của họ có phần đáng được cảm thông đi chăng nữa, thì việc hứng chịu chỉ trích cũng là một kết quả không mấy bất ngờ.
(Nguồn: game4v.com/nhung-lan-ban-to-chuc-lck-bi-phat-hien-ngam-ngam-tay-chay-faker-va-nguyen-nhan-dang-sau-hien-tuong-la-lung-nay-846574.g4v)