Không giống như PUBG Mobile, vụ Free Fire bị xóa thực sự có uẩn khúc và oan ức?
-
Dù là quốc gia có số lượng game thủ thuộc dạng đông nhất nhì thế giới, song không phải tựa game nào cũng may mắn và bình yên.
Mới đây, Ấn Độ đã chính thức xuống tay với Free Fire khi cấm toàn bộ tựa game này cùng phiên bản Free Fire MAX trên cả hai nền tảng Android và iOS mà cụ thể là kho tải Google Play và App Store. Như vậy là sau khoảng chừng gần hai năm kể từ lúc PUBG Mobile bị cấm thì tới lượt Free Fire cũng đã “ra đảo”.
Nguyên nhân thì được cho là bởi vì Free Fire cũng có nguồn gốc xuất xứ từ một nhà phát triển Trung Quốc, giống như PUBG Mobile của Tencent. Nhưng sự thực thì là Free Fire thuộc bản quyền phát hành của Garena trên phạm vi toàn cầu. Ấy nhưng mà Free Fire vẫn bị cấm một cách không thương tiếc, bất chấp việc tựa game này có lượng người chơi cực kỳ lớn tại quốc gia này, mang lại một nguồn doanh thu không nhỏ cho Garena.
Nhìn lại thị trường Ấn Độ mới thấy rằng, nhiều bom tấn mobile của làng game thế giới đều có số phận. Từ PUBG Mobile, Liên Quân Mobile, Free Fire hay trong danh sách gần đây còn có cả “Âm Dương Sư MOBA”. Tất cả đều bị “thanh trừng” hoặc không thể cạnh tranh được với những trò chơi khác (như Liên Quân là một ví dụ điển hình).
Vào tháng 9/2020, PUBG Mobile chính thức bị cấm tại thị trường Ấn Độ cùng 117 ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc khác. Trong số này không thiếu các tựa game, ứng dụng được phát triển bởi Tencent. Đến giữa tháng 2 vừa qua, tới lượt Free Fire cùng hàng chục ứng dụng khác đều chịu chung số phận. Các ứng dụng bị cấm có cả những cái tên nổi tiếng như Badlander, Rise of Kingdoms: Lost Crusade hay thậm chí là cả bom tấn MOBA Onmyoji Arena.
Cần phải nói rằng, thị trường Ấn Độ là một thị trường vô cùng tiềm năng mà bất kỳ nhà phát triển game nào cũng muốn góp mặt. Trong đó, PUBG Mobile và Free Fire có lượng người chơi cực kỳ lớn, tới mức đóng góp vào doanh thu không hề nhỏ cho Tencent (trước đây) và Garena (bây giờ).
Nhưng như đã nói, trường hợp của Free Fire thì có lẽ vô cùng oan ức khi cho rằng tựa game này có nguồn gốc từ nhà phát triển Trung Quốc. Sự thật thì game thủ Việt nào cũng đã rõ, Free Fire được phát triển bởi một studio của Việt Nam là 111dots Studio và đã được Garena phát hành toàn cầu trong nhiều năm trở lại đây. Mất đi thị trường Ấn Độ sẽ là một đòn giáng nặng nề vào tham vọng và doanh thu của Garena. Tuy nhiên, không biết chừng tựa game này sẽ sớm quay trở lại nếu như Garena chứng minh được nguồn gốc của Free Fire, hãy cùng chờ xem.
(Nguồn: gamek.vn/thi-truong-sat-bom-tan-nhat-the-gioi-hang-loat-game-dinh-dam-deu-chung-so-phan-nhung-free-fire-thi-bi-oan-20220215234555574.chn)