Theta Labs giúp Sony phát hành NFT 3D tương thích với màn hình 4K SRD
-
Tập đoàn Sony Electronics Nhật Bản sẽ kết hợp cùng blockchain Theta Labs phát hành bộ sưu tập NFT 3D phiên bản đặc biệt, chỉ có thể xem được trên màn hình thực tế không gian của Sony. NFT mang lại cho người dùng cảm nhận mọi thứ ở dạng 3D mà không cần thêm bất kỳ phụ kiện 3D nào. Phải chăng NFT đang len lỏi sâu hơn một bước nữa vào thế giới thực?
Được thiết kế giống một màn hình máy tính truyền thống, gắn trong một bộ khung hình khối tam giác với độ nghiêng 45-độ, SRD kết hợp một màn hình 15.6-inch cùng một lớp phủ vi thấu kính quang học và một camera theo dõi ánh mắt. Sử dụng chúng người dùng sẽ thu được những vật thể 3D kỹ thuật số trông như đang nổi lên trên màn hình và khi di chuyển đầu hay mắt, chúng cũng sẽ thay đổi góc độ tương ứng một cách mượt mà.
Một trong hai NFT phát hành sẽ là phiên bản giới hạn mang tên “The Tiki Guy” (tạm dịch: Chàng trai Tiki). Dự án sẽ chỉ tạo ra 10 NFT “Tiki Guy”. NFT còn lại sẽ được ra mắt dưới dạng 2D như thông thường. Hiện Sony đang “freeship” NFT cho người dùng đang sinh sống tại Hoa Kỳ và SRD đang được bán với giá 5.000 USD/chiếc.
NFT sẽ được phát hành trên ThetaDrop, chợ NFT của Theta Labs, nơi đã từng phát hành bộ sưu tập NFT đầu tiên của Katy Perry cũng như các bộ sưu tập NFT quảng cáo cho World Poker Tour, cuộc thi “American Idol” và gameshow “The Price is Right”.
Việc ra mắt NFT lần này đánh dấu một bước khởi đầu cho việc tích hợp SRD vào metaverse, nơi mọi người có thể sử dụng chúng để làm việc, giải trí và giao lưu trong môi trường thực tế ảo tăng cường. Nick Colsey, Phó giám đốc phát triển kinh doanh của Sony, cho biết trong một thông cáo báo chí:
“NFT ba chiều sống động là một cách tuyệt vời để giới thiệu tiềm năng của màn hình SRD Sony đến với những người đam mê và sưu tầm metaverse”.
Kể từ khi ra mắt vào cuối năm 2020, thiết bị này chủ yếu được quảng cáo như một công cụ hữu ích cho các nhà thiết kế, nghệ sĩ và kỹ sư.
Các chuyên gia công nghệ trước đó đã có lưu ý rằng một trong những trở ngại lớn nhất mà metaverse đang phải đối mặt là việc tạo ra các thiết bị dành cho người dùng hòa mình vào thế giới kỹ thuật số một cách liền mạch mà không phụ thuộc vào phần cứng quá cồng kềnh hoặc đắt tiền. Các thiết bị như SRD của Sony có thể là một phần của giải pháp khi chúng sẽ trở thành cầu nối giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số. Tuy nhiên, với 5000 USD cho một sản phẩm thì đây có lẽ chưa phải là mức giá mà nhiều người sẵn lòng bỏ ra.
Ở một diễn biến khác, NFT phiên bản giới hạn chỉ hoạt động khi có màn hình SRD. Nếu chủ sở hữu muốn thiết lập chúng làm avatar 2D cho tài khoản Twitter hoặc máy tính để bàn, họ sẽ phải bỏ thêm một khoản phí bổ sung nữa.
(Nguồn: coin68.com/theta-labs-giup-sony-phat-hanh-nft-3d-tuong-thich-voi-man-hinh-4k-srd/)