Cách đánh giá một dự án NFT cùng AntiAntiNFTs Club
-
Làm sao để nhận diện được đâu là một dự án NFT tiềm năng, tránh các dự án scam trong một “rừng” các dự án. Hãy cùng lắng nghe những kinh nghiệm và chia sẻ từ đội ngũ AntiAntiNFTs Club (AANC).
Những yếu tố quyết định sự thành công của một dự án NFT
Trước khi vào việc đánh giá một dự án NFT, chúng ta cần hiểu đâu là điều tạo nên giá trị của một dự án NFT.
Theo lý thuyết, để một loại hình tài sản có giá trị thì sẽ phải đáp ứng 3 tiêu chí như sau:
– Có số lượng giới hạn để tạo độ hiếm
– Có độ bền cao để không bị hư hỏng, tổn thất
– Có nhiều người chấp nhận, tức cộng đồng người sử dụng đông đảo
Về bản chất thì tất cả NFT đã sở hữu 2 tiêu chí là có giới hạn và có độ bền cao (có giới hạn vì tổng cung có hạn, NFT được lưu trữ trên Blockchain nên có thể coi như là tồn tại mãi mãi). Vì vậy, sự khác biệt giữa một dự án NFT thành công và một dự án NFT thất bại là yếu tố **CỘNG ĐỒNG.**
Cộng đồng ở đây là những người tham gia, đầu tư và hỗ trợ dự án. Cộng đồng không chỉ phản ánh sự ủng hộ dự án nhận được mà còn phản ánh quy mô dòng tiền có khả năng chảy vào dự án.
Khi xem xét tới cộng đồng thì AANC sẽ xem xét về cả yếu tố số lượng và chất lượng.
Về số lượng, để kiếm chứng cái này thì khá đơn giản. Chúng ta sẽ kiểm tra follower cũng như member trên các channel của dự án như Twitter, Telegram, Discord,… Đa phần các dự án NFT sẽ có Twitter (kênh thông báo và làm branding) và Discord (hoạt động cộng đồng).
Theo kinh nghiệm cá nhân thì AANC sẽ phân chia theo 3 loại hình cộng đồng như sau
– 0-10,000 followers: cộng đồng nhỏ
– 10,000 – 50,000 followers: cộng đồng tầm trung
– Trên 50,000 followers: cộng đồng lớn
Trang Twitter của dự án NFT Drippies
Channel Discord của dự án NFT Drippies
Tuy nhiên, nếu chỉ đánh giá số lượng thì chưa đủ, chúng ta sẽ phải cần xem xét tới chất lượng của cộng đồng đó vì có khá nhiều dự án sử dụng bot để đẩy những con số này nhìn cho đẹp. Vậy làm sao để đánh giá chất lượng của một cộng đồng?
Dưới đây là các yếu tố mình hay xem xét:
– Độ active của các thành viên: nếu dự án có nhiều thành viên active, hay trao đổi trong Discord thì là một dấu hiệu tốt.
– Nội dung mà các thành viên hay trao đổi: chúng ta nên quan sát các nội dung, câu chuyện mà các thành viên trong cộng đồng trao đổi để biết thêm về suy nghĩ cũng như thái độ của cộng đồng về dự án. Họ có phải là những người tin tưởng và hỗ trợ dự án không?
– KOL theo dõi, hỗ trợ dự án: đây cũng là một tiêu chí rất quan trọng. Nếu có các KOL lớn về NFT theo dõi hỗ trợ trên Twitter thì đây là một dấu hiệu tốt cho dự án. Dự án có thể tiếp cận nhiều người hơn nếu các KOL này tích cực chia sẻ về dự án.
Tuy nhiên, cộng đồng là sự phản ánh từ nhiều yếu tố nội tại của dự án như: chiến lược marketing, đội ngũ, backer, tokenomics, sản phẩm,… Và một cộng đồng khi đã lớn thì tiềm năng của các yếu tố nội tại này đã được được phản ánh rõ ràng. Lúc đó, cơ hội dành cho chúng ta không còn nhiều. Nó giống như một quy tắc trong đầu tư: cái gì đã quá rõ ràng thì không còn nhiều cơ hội, cơ hội chỉ nằm trong những thứ chưa rõ ràng.
Làm sao để nhận diện một dự án NFT tiềm năng?
Vậy làm sao để nhận diện một dự án tiềm năng khi dự án còn đang ở trong giai đoạn đầu, mọi thứ vẫn chưa rõ ràng, để chúng ta có một vị thế tốt hơn và lợi nhuận cao hơn.
Dưới đây sẽ là các tiêu chí quan trọng chúng ta sẽ cần nghiên cứu để tìm ra một dự án NFT tiềm năng:
– Ý tưởng: dự án này có ý tưởng và tầm nhìn như thế nào, có phải là một sự sáng tạo không hay đạo nhái từ các dự án khác. Nếu có ý tưởng mới thì sẽ là một điểm cộng. Tuy nhiên không hẳn ý tưởng nào mới cũng tốt, nó còn phải có tính khả thi trong đó.
– Thuộc loại hình nào: việc nhận định dự án thuộc loại hình nào vô cùng quan trọng. Dòng tiền trong thị trường crypto vận hành theo xu hướng, nếu xu hướng là A thì các dự án làm về A sẽ có khả năng cao đón nhận được dòng tiền lớn đổ vào. Vì vậy, một dự án hợp xu hướng là một điểm cộng.
– Sản phẩm: Nếu dự án đã có sản phẩm thì hãy trải nghiệm xem sản phẩm này vận hành thế nào, có mượt mà hay không và so sánh chất lượng của sản phẩm với các dự án tương tự. Nếu dự án chưa có sản phẩm thì chúng ta tiếp tục nhìn vào lộ trình.
– Lộ trình: lộ trình là các mốc thời gian hoàn thiện sản phẩm của dự án. Khi nhìn vào lộ trình chúng ta sẽ đánh giá được dự án có đang đi đúng lộ trình hay không. Nếu dự án phát triển đúng lộ trình thì là một điểm cộng.
– Tính thẩm mỹ của NFT: đối với các dự án NFT Avatar (NFT có thể dùng để làm hình đại diện hay còn lại là PFP) thì tính thẩm mỹ là một yếu tố quan trọng. Nếu nhân vật được thiết kế đẹp và chỉn chu thì phần nào đó sẽ khiến cộng đồng và bản thân chúng ta cũng thích thú hơn. Bên cạnh đó nó cũng thể hiện sự đầu tư của đội ngũ phát triển.
– NFT Utility: đây là tính năng của NFT. Chúng ta sẽ phải nghiên cứu xem NFT này đóng vai trò gì trong sản phẩm, có thể là: NFT dùng để chơi game, NFTs dùng để earn token, NFT dùng để nhận lợi nhuận của sản phẩm,… NFT có nhiều tính năng trong hệ sinh thái của sản phẩm thì càng có giá trị.
– Họa sĩ: đối với các NFT Art thì họa sĩ thiết kế bộ sưu tập là một yếu tố vô cùng quan trọng. Nếu đó là một họa sĩ có tiếng thì dự án sẽ được cộng đồng đặt niềm tin nhiều hơn.
– Đội ngũ và backer: Một dự án có đội ngũ nhiều kinh nghiệm, làm việc chăm chỉ và tâm huyết với dự án sẽ là một điểm cộng cực kỳ lớn vì cuối cùng yếu tố quan trọng nhất của tất cả các dự án là con người. Tuy nhiên, để đánh giá được phần nào đó thái độ làm việc và tâm huyết của đội ngũ chúng ta cần mất khá nhiều thời gian để quan sát, có thể là qua sản phẩm, qua cách họ giao tiếp trên cộng đồng,… Nói chung là nhìn vào tất cả những gì họ đang làm.
Bên cạnh đó, backers cũng là một yếu tố quan trọng không kém, đây thường là các quỹ đầu, nhà đầu tư thiên thần hỗ trợ đằng sau dự án. Tuy nhiên, đa phần các dự án NFT hiện tại đều không có backer.
– Marketing: nếu dự án sở hữu các yếu tố nội tại tốt nhưng làm marketing, phát triển cộng đồng không tốt thì cũng khó có thể thành công. Chúng ta có thể đánh giá các dự án làm marketing thông qua Twitter, Discord hoặc các kênh social media của dự án. Có gì thú vị trong cách dự án làm marketing? Họ đang làm những gì để có được sự hưởng ứng của cộng đồng? Một dự án làm marketing luôn gắn liền với việc cho mọi người hiểu sâu hơn về sản phẩm và tầm nhìn của dự án sẽ là một điểm cộng rất lớn vì điều đó cho thấy rằng họ thực sự tin tưởng vào sản phẩm của mình.
Tổng kết
NFT là một thị trường chứa đựng rất nhiều rủi ro, những người mới sẽ cảm thấy khó khăn để nhận diện một dự án NFT tiềm năng. Tuy nhiên, rủi ro sẽ đi kèm với lợi nhuận cao, việc hiểu rõ và đánh giá được dự án sẽ là một kỹ năng sống còn trong thị trường và nó cần được luyện tập và trau dồi hàng ngày trong một thời gian dài. Đội ngũ AANC hy vọng bài viết này sẽ cung cấp các thông tin hữu ích cho mọi người trong chặng hành trình chinh phục NFT.
Về AntiAntiNFTs Club (AANC)
AntiAntiNFTs Club (AANC) là cộng đồng các nhà sưu tập và đầu tư NFT tại Việt Nam. Xuất phát từ tình yêu đối với NFT AANC luôn muốn lan tỏa tình yêu đó đến với mọi người thông qua việc xây dựng một cộng đồng chất lượng, một nơi đúng với slogan của tụi mình đó là “Can’t help falling in love with NFTs”.
(Nguồn: coin68.com/cach-danh-gia-mot-du-an-nft-cung-antiantinfts-club/)