Tổng kết bảng B, C CKTG 2021: Sức mạnh vượt trội của LCK và LPL so với phần còn lại của giải đấu
-
Sau khi LCK và LPL thể hiện hai bộ mặt trái ngược tại bảng A khi DWG KIA hủy diệt tất cả còn FunPlus Phoenix sớm khăn gói ra về, trật tự đã được thiết lập lại tại bảng B và C. Trong đó, hai đội tuyển T1 và RNG tỏ ra nhỉnh hơn so với các đối thủ trong bảng ở những thời khắc quyết định.
3/4 chặng đường của giai đoạn vòng bảng CKTG 2021 đã trôi qua với rất nhiều điều đáng nói tới. Người hâm mộ lại được chứng kiến sự hủy diệt của DWG KIA giống như cách đây một năm khi họ tỏ rõ sự vượt trội so với phần còn lại của bảng đấu. Minh chứng rõ ràng nhất chính là cách họ đè bẹp cựu vô địch FunPlus Phoenix bằng khả năng kiểm soát, trao đổi mục tiêu và giao tranh mẫu mực của LCK.
ShowMaker và DWG KIA đang tỏ ra vô đối tại vòng bảng CKTG năm nayNgoài ra, các fan của LMHT trên khắp thế giới lại được chứng kiến câu chuyện cổ tích một lần nữa của LMHT phương Tây với đại diện là Cloud9. Cửu Vân sau lượt đi tệ hại đã thể hiện bản năng sinh tồn mạnh mẽ khi ở thế đường cùng, để rồi phần thưởng cho họ là tấm vé thứ hai đi tiếp của bảng A với tư cách đội tuyển thứ hai trong lịch sử toàn thua ở lượt đi, nhưng vẫn lọt vào vòng loại trực tiếp.
C9 có "miracle run" không tưởng trong giai đoạn lượt vềTại bảng B và bảng C, đã không có cơ hội cho các đại diện còn lại chống lại sức mạnh của LPL và LCK bất chấp đã có những sự cố gắng. Hãy cùng GTV điểm lại những ấn tượng lớn nhất của hai bảng đấu này nhé!
Bảng B: T1 bứt phá mạnh mẽ, EDG lại hiện nguyên hình
Sau một lượt đi "chỉ có" 2 chiến thắng, T1 không thể khiến cho người hâm mộ hài lòng, nhất là chứng kiến cách họ bị EDG cho "phơi áo" một cách tâm phục khẩu phục. Thế nhưng, ở lượt về, lối đánh giao tranh nhỏ lẻ để lấy lợi thế rồi bóp nghẹt đối thủ của Faker và đồng đội đã được triển khai vô cùng hiệu quả.
Điển hình là trong trận đấu với chính đối thủ cạnh tranh trực tiếp EDward Gaming, T1 lựa chọn đội hình chẳng khác là bao so với lượt đi, thế nhưng họ đã triển khai thế trận tốt hơn hẳn để không cho các chủ lực đối phương tăng tiến sức mạnh tốt theo thời gian. Vì vậy, ngôi đầu bảng cho đội tuyển từng 3 lần vô địch giải đấu là thành quả xứng đáng với những gì đã thể hiện.
Trong khi đó, EDG lại bất ngờ "lộ nguyên hình" trong giai đoạn lượt về với lối đánh thiếu hẳn đi sự gắn kết, mạch lạc từng thi đấu tại lượt đi. Họ mắc rất nhiều sai lầm cá nhân trong cả khâu di chuyển, né gank và giao tranh lớn để rồi phải trả giá đắt bằng ngôi đầu bảng - một lợi thế để né những đối thủ sừng sỏ ở vòng sau.
100Thieves trong lần thứ 2 tham dự CKTG dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng nhìn chung, màn thể hiện của họ đã khá hơn nhiều so với lần đầu tham dự cách đây ba năm. Họ biết cách dứt điểm trận đấu khi nắm trong tay lợi thế lớn (trận cuối gặp EDG) và có những pha thiết lập giao tranh để lật kèo ấn tượng trước DFM. Đây sẽ là nguồn động lực để đội ngũ lãnh đạo của 100T tiếp tục hướng phát triển đúng đắn nhằm quay lại giải đấu vào năm sau.
Về phía DFM, sau khi làm nên lịch sử với lần đầu lọt vào vòng bảng của một kỳ CKTG, đại diện LJL Nhật Bản đã bộc lộ rõ sự non kém so với các đối thủ trong bảng. Ngay cả khi dẫn trước gần 10.000 tiền trước ĐKVĐ LCS 100Thieves, DFM vẫn không thể dứt điểm được lợi thế mình có được và đành ngậm ngùi rời vòng bảng mà không có trận thắng nào. Dẫu sao, việc trở thành đại diện đầu tiên của Nhật Bản lọt vào vòng bảng của một kỳ CKTG, họ có thể tự hào rời giải đấu sau những gì đã thể hiện.
Bảng RNG thoát hiểm trong gang tấc, HLE để lỡ ngôi đầu đầy đáng tiếc
Cũng có một giai đoạn lượt về dưới kỳ vọng lại là một đại diện khác của LPL, ĐKVĐ MSI Royal Never Give Up. Họ bị FNC lấn át và mắc những sai lầm khó có thể chấp nhận. Để rồi trở thành đội tuyển duy nhất để mất điểm vào tay "kho điểm" của bảng đấu. Trong khi đó, dù đã chiến thắng trước PSG Talon sau đó để đảm bảo tấm vé đi tiếp nhưng chẳng ai có thể nói, đại diện hạt giống số 3 của LPL đã chơi tốt bởi họ đã mắc rất nhiều sai lầm cá nhân đáng trách.
Nặng nề nhất chính là cách họ bị HLE "đánh dập đầu" tại trận lượt về để rồi phải đánh tiebreak. Xiaohu bị "ngài Morgan" ép đường cho không thể thở nổi, Cryin thì hoàn toàn bị Chovy đè bẹp ở đường giữa. Điều này dẫn việc xạ thủ Gala không có nổi góc bắn thuận lợi dù chỉ một lần và kết thúc trận đấu với KDA 0/1/0.
Ngược lại, HLE đã có một lượt về lột xác ngoạn mục với khả năng đi gank hiệu quả của Willer và tất nhiên vẫn với sự áp đảo của Chovy ở đường giữa. Morgan và Deft xuyên suốt lượt về cũng hầu như không phạm quá nhiều sai lầm nghiêm trọng, thậm chí còn tỏa sáng ở những thời điểm quyết định. Kết quả là Hanwha Life Esports toàn thắng cả 3 trận lượt về và có cơ hội đứng đầu bảng đấu giống hai đội đồng hương là T1 và DK.
Quả thật, HLE lại áp đảo RNG giống như trận đấu trước đó chỉ khoảng một tiếng đồng hồ. Xiaohu lại bị chăm sóc kỹ càng, Cryin thì chỉ "tập khóc" ở đường giữa trước Chovy, còn Willer thì đi gank quá đỗi đột biến. Tuy nhiên, đội hình giao tranh tổng lần này của RNG đã phát huy được tốt hiệu quả với sự xuất sắc của hỗ trợ Ming.
Tuyển thủ kỳ cựu này liên tục có những pha mở giao tranh trên cả tuyệt vời với chiêu cuối Sức Hút Kinh Hoàng của Rell, tạo thế thuận lợi cho Galio sử dụng Siêu Hùng Giáng Thế cùng Bão Sấm Sét của Kennen để đảo chiều cục diện trận đấu.
Thắng lợi này giúp RNG tránh việc phải đụng độ với những đội tuyển sừng sỏ của LCK tại vòng tứ kết. Tuy nhiên, nếu muốn tiến thật xa tại giải đấu này, họ còn rất nhiều điểm cần cải thiện.
Về phía hai đội tuyển còn lại là PSG và Fnatic, dù đã có những nỗ lực, cố gắng nhưng vẫn chưa đủ để giúp họ đi tiếp vào vòng sau. Đặc biệt riêng với FNC, dù có thể đổ lỗi cho việc mất đi xạ thủ chủ lực Upset, thế nhưng những cá nhân kỳ cựu của họ như Bwipo, Hylissang hay Nisqy đều mắc rất nhiều sai lầm và để thua đầy cay đắng trước các đối thủ.
Có lẽ, đã đến lúc FNC nên mạnh dạn thực hiện một cuộc thay máu mạnh mẽ như những gì đã diễn ra trong năm 2015 để một lần nữa tìm kiếm lại vị thế vốn có của mình.
(Nguồn: gametv.vn./lmht/tong-ket-bang-b-c-cktg-2021-suc-manh-vuot-troi-cua-lck-va-lpl-so-voi-phan-con-lai-cua-giai-dau-p28350/)