Phỏng vấn độc quyền game thủ kiêm lập trình viên: Thua chứng khoán vài trăm triệu, đi làm vài tháng là đủ gỡ vốn
-
Thua lỗ vài trăm triệu đồng vì chứng khoán trong giai đoạn thị trường “đỏ lửa” như hiện nay. Nhưng một game thủ kỳ cựu tuyên bố, mình sẽ gỡ vốn dễ dàng trong vài tháng đi làm.
Cùng gặp gỡ cựu game thủ với hơn 10 năm thi đấu và làm việc trong ngành game. Anh sẽ có những chia sẻ về chuyện nghề, chuyện hướng nghiệp cho các bạn trẻ mê game.
PV: Rất vui được gặp anh trong buổi trò chuyện hôm nay, anh có thể giới thiệu về bản thân mình một chút với quý độc giả Game4V được không?
Xin chào Game4V, mình Long “Spirit” Nguyen là người đam mê game từ nhỏ, sống và trưởng thành nhờ game, là đồng sáng lập Q.9 Gaming tham gia hoạt động xây dựng cộng đồng thể thao điện tử thời kỳ đầu từ những năm 2006, chính thức giải nghệ 2011, kèm một thời gian công tác khoảng 5 năm tại các công ty game như VNG, VTC và Like.vn. Được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng game FPS như Counter Strike hay Biệt Đội Thần Tốc, vì đó là game mình trực tiếp tham gia thi đấu, còn lại các game như Starcraft, Dota, FIFA, PES một số anh em có biết mình qua vai trò trọng tài hay BTC giải đấu, dẫn đoàn.
Chân dung anh Long Nguyễn
Tuy nhiên hiện tại nghề nghiệp chính của mình là lập trình viên, làm việc tại nhà theo dạng “freelancer”, và làm việc từ xa bán thời gian cho một vài công ty game, công nghệ. Mình vẫn theo dõi tin tức về cộng đồng game nói chung, đặc biệt là tin về cộng đồng thể thao điện tử.
PV: Làm việc từ xa lại có nhiều kinh nghiệm như vậy thu nhập trung bình ?
Xin phép không tiết lộ chính xác con số, nhưng thu nhập trung bình của mình hàng tháng cũng không cao so với anh chị em đồng nghiệp cùng ngành, khoảng 1/2 hay 2/3 so với đi làm toàn thời gian, do chỉ làm bán thời gian, còn thu nhập freelancer thì tuỳ tháng, không ổn định. Mọi người cũng có thể ước chừng theo thu nhập trung bình của ngành này, dù sao thì ngành cũng đang “hot” nên so với các ngành khác thì cũng là thu nhập đủ tốt cho cuộc sống ở TP.HCM (trên 20tr/tháng).
PV: Mức thu nhập cao như vậy chắc chắn sẽ đi kèm với khối lượng công việc “khủng khiếp”. Cụ thể thì anh làm việc tối đa bao nhiêu tiếng mỗi ngày?
Cũng không hẳn, mình chỉ làm việc 3-6 tiếng mỗi ngày, đa phần là làm vào buổi tối nên khối lượng cũng không gọi là “khủng khiếp” được, cũng có vài thời điểm do yêu cầu của dự án thì có ngày làm 8-10 tiếng hoặc làm “xuyên màn đêm”.
Anh Long thời còn thi đấu chuyên nghiệp cùng team Q.9 Gaming bộ môn FPS – Biệt Đội Thần Tốc (2008)
PV: Cơ duyên nào đã đưa anh đến với thị trường chứng khoán?
Lúc trước dịch covid thì mình không tham gia thị trường chứng khoán, chỉ làm vừa đủ nhu cầu chi tiêu và dư ra rất ít, dành đa phần thời gian để tận hưởng cuộc sống (vì đây là lý do mình không đi làm toàn thời gian tại văn phòng). Khi TP.HCM thực hiện CT15 thì mình mới làm khối lượng công việc nhiều hơn, chỉ vài tháng mà mình đã làm số dự án bằng cả nguyên năm trước cộng lại, nhờ đó mới có chút tích lũy để tham gia thị trường chứng khoán.
PV: Như anh đã chia sẻ phía trên, anh cũng là “F0” mới tham gia thị trường chứng khoán gần đây, theo thông tin được biệt thì thời gian gần đây thị trường rất xấu hầu hết mọi người đều thua lỗ, và anh cũng không ngoại lệ?
Không ngoại lệ, mình cũng đang thua lỗ vài trăm triệu do còn non kinh nghiệm trong khả năng kiểm soát vốn khi thị trường giảm mạnh, đây có thể là bài học quan trọng để đời đó! Thị trường vừa qua đang rất tiêu cực nên số lỗ của mình so với nhiều người khác với thị trường hiện tại thực ra cũng tương đối nhỏ, nhưng tỷ trọng so với vốn của mình thì cũng là khá lớn rồi. Mình tự tin có thể “gỡ” được vì mình vẫn làm việc bình thường trong quá trình tìm hiểu, đầu tư chứng khoán. Nếu siêng năng hơn thì hoàn toàn có thể tăng số thu nhập đã chia sẻ bên trên lên vì mình cũng may mắn là có nhiều khách hàng đang chờ, chỉ cần tăng tốc một chút kèm… tiết kiệm lại một chút, sắp tới mình cũng nhận thêm công việc bán thời gian mới, thu nhập có tăng dự tính sẽ bù đắp được phần lỗ đó trong 3-4 tháng nên mình cũng không hoang mang, lo lắng hay nghĩ về chứng khoán nhiều quá, dành tinh thần để tiếp tục tận hưởng cuộc sống và làm việc.
PV: Sau khoảng lỗ “kỷ lục” anh sẽ tiếp tục chơi chứng khoán chứ?
Có chứ, mình vẫn sẽ tiếp tục tham gia chứng khoán, dù sao cũng là game thủ mà, phải “lì” một chút chiến đấu chứ, phần lỗ xem như là học phí, sau khi thị trường giảm mạnh thời gian gần đây mới nhận ra là vốn tích lũy cùng kiến thức của mình chưa đủ cho việc tham gia hoàn toàn vào thị trường chứng khoán và trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, cần thêm vốn và thời gian trau dồi, “thực chiến” thêm nhiều hơn.
Thị trường chứng khoán lao dốc khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng
Đầu tư chuyên nghiệp thì có thể mình cũng không làm được, nhưng tìm được con đường đi đúng, để “không lỗ” thì chắc là vài năm nữa sẽ làm được để tương lai thị trường ổn định, tăng trở lại thì bản thân có một kênh đầu tư bổ sung để tăng thu nhập thụ động ngoài công việc chính.
PV: Anh nghĩ sao về việc những người làm văn phòng với thu nhập trung bình 8-10 triệu cũng tham gia chứng khoán để tìm vận may?
Tham gia vào chứng khoán cũng có nhiều trường phái, do thị trường tăng quá nóng trong 2 năm qua nên sự kỳ vọng vào mức tăng trưởng của mọi người hơi cao, việc thu nhập 8-10tr vào chứng khoán theo mình cũng bình thường, thu nhập bao nhiêu cũng có thể tham gia được, nên cũng cần xác định chỉ là “thử vận may” thì tỉ lệ xui rủi nó lại nhiều hơn may mắn. Nếu đã xác định mình dùng tiền mồ hôi nước mắt ra tham gia, thì cần bỏ thời gian, công sức ra tìm hiểu chứ không nên chỉ mua/bán bừa theo phong trào. Như vậy, đó không phải là “thử vận may” nữa, nếu có lỗ thì cũng do mình, không phải do ai khác, cũng không phải do may rủi.
Số vốn ít vẫn có thể tham gia chứng khoán nếu có đủ thông tin và kiến thức
PV: Là một nhân lực freelancer với thu nhập cao, anh có nghĩ xu hướng freelancer hoặc làm chính thức cho công ty nhưng làm việc từ xa sẽ trở thành xu hướng chung cho các bạn trẻ sau đại dịch?
Chắc chắn đây là xu hướng mới, vì đại dịch covid, không chỉ ở Việt Nam mà thế giới hiện tại nhiều ngành nghề các công ty đã xác nhận được là công ty vẫn hoạt động bình thường khi nhiều vị trí làm việc từ xa, tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho công ty. Tuy nhiên theo mình không phải ngành nghề nào, con người nào cũng phù hợp xu hướng trên, vì làm freelancer thì thu nhập không ổn định, kèm theo là làm việc tại nhà hay việc từ xa đều yêu cầu tính tự giác cao.
Anh Long có kinh nghiệm phong phú trong ngành game với việc từng tham gia nhiều vị trí ở các công ty khác nhau
PV: Để làm được nhiều công ty cùng lúc, nhưng vẫn đảm bảo hiệu suất anh có bí quyết nào muốn chia sẻ với các độc giả của Game4V không?
Mình cũng không có bí quyết gì đặc biệt, chỉ là làm việc mình thấy thích mà có được thu nhập (như việc chơi game được trả lương vậy) thì không thấy mệt, còn để đảm bảo hiệu suất thì mình chỉ nhận công việc nào mình thấy có thể đáp ứng được yêu cầu của công ty, khách hàng. Có tháng mình làm nhiều, có tháng mình làm ít, mệt thì nghỉ chứ không ép bản thân phải làm bao nhiêu, kiếm được bao nhiêu.
PV: “Người ta thường nói làm vì đam mê” – Với một người đi làm lâu và trên 30 như anh thì liệu đam mê có còn?
Mình vẫn làm vì đam mê thôi, như vậy mới bền được. Tuy nhiên thì khi có gia đình và có tuổi một chút thì cũng phải thực dụng hơn, đam mê cũng phải có thu nhập mới được.
PV: Gắn bó với các công ty thuộc ngành game đã lâu, anh có nhận xét gì về văn hóa doanh nghiệp của ngành này? Đây có phải lựa chọn “vàng” cho các bạn trẻ đam mê game?
Thật ra công việc văn phòng thì công ty nào mà không có “drama”, mỗi công ty lại có vấn đề khác nhau, không đánh đồng được còn môi trường làm việc tại các công ty game thì … không tìm được chỗ để chê: công việc phù hợp sở thích, thu nhập tốt, môi trường năng động, thoải mái thời gian, không gian làm việc không gò bó v.v Về lựa chọn công việc thì các bạn đam mê game thì cứ đam mê game, chơi game để giải trí cũng được, muốn thành game thủ chuyên nghiệp cũng được, đâu phải ai làm việc cho công ty game cũng đều mê game, cũng không nhất thiết mê game thì phải làm cho công ty game. Vì công việc khác với “chơi”, để “chơi game” thành công việc thì chỉ có trở thành tuyển thủ chuyên nghiệp thôi. Quan trọng phải biết thế mạnh của mình là gì, công việc mình thích làm là gì, có nghề nghiệp rồi thì mới chọn công ty được! Mảng tối có thể kể đến là hầu hết các công ty game chỉ muốn tìm cách tăng lợi nhuận tối đa chứ ít chịu chi ngược lại để thực sự phát triển cộng đồng, đây là lý do mình quyết định chuyển nghề vì không còn đúng mong muốn ban đầu của bản thân khi mình từ vị trí một game thủ được mời tham gia công tác tại các công ty game. Cũng khó trách vì bài toán cân bằng giữa lợi ích kinh doanh và xây dựng cộng đồng là bài toán khó, khi mà bản thân các cộng đồng game thủ tại VN nhìn chung là khá dễ bị giao động, nhanh thay đổi theo phong trào ngắn hạn, họ cũng phải thích ứng cho phù hợp.
Anh Long đạt nhiều thành tích thời còn thi đấu bộ môn FPS
PV: Anh đã học hỏi, tích lũy kiến thức như thế nào để có bước chuyển mình từ một người mê game đến công việc hiện tại?
Trong quá trình công tác tại các công ty game thì công việc chính của mình vẫn là hoạt động phát triển cộng đồng, tổ chức giải đấu nên mình đã tự học thêm để phục vụ mục đích phát triển đó (các diễn đàn rất phổ biến thời điểm đó), cũng may mắn được các đồng nghiệp và công ty tạo cơ hội nên được “thực chiến” trên các dự án thực tế nhiều dù ban đầu trình độ, kinh nghiệm đều không có gì, nên tiến bộ cũng tương đối nhanh, sau khoảng 3 năm thì được đánh giá là “có kinh nghiệm”, khi nộp đơn xin việc cho vị trí mới thì cũng thuận lợi hơn.
PV: Theo anh cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ học yếu nhưng mê game sau này có còn không? Game4V đặt trường hợp họ quay đầu sau khi hết cấp 3 và bắt đầu tích lũy kiến thức cá nhân.
Hầu hết các game thủ giỏi cùng thời mình biết đều thành công trong cuộc sống dù họ (hay bản thân mình), đều ăn ngủ cùng game một thời gian dài và thể hiện niềm đam mê với game mãnh liệt (ở đây mình không chỉ nói riêng về các game thủ thể thao điện tử). Điểm quan trọng là phải biết mình đang chơi gì, và tương lai sẽ làm gì, có kế hoạch và chuẩn bị cho kế hoạch đó. Ví dụ nếu muốn theo con đường game thủ chuyên nghiệp, lấy nó làm công việc chính thì phải sẵn sàng cho việc mình không làm được, không thuộc nhóm dẫn đầu để được tuyển vào các đội nhóm chuyên nghiệp, được trả lương… hay kể cả đã được như vậy rồi thì sau đó qua vài năm cũng sẽ bị thay thế bởi một lứa tài năng mới thì lúc đó mình sẽ làm gì để sống. Khi mình làm cho các công ty game thì là giai đoạn thăng hoa, bùng nổ của game online, nhưng mình cũng đã suy nghĩ về giai đoạn thoái trào nên mới chuyển hướng phát triển bản thân, chuẩn bị cho mình 1 cái nghề với tâm thế “một ngày đẹp trời mình không làm (cho các công ty) game nữa thì phải làm sao?
Ngắn gọn thì là: làm gì cũng nên chừa cho mình một đường lùi, mọi người hay nhìn vào những tấm gương YOLO thành công nhưng lại ít đề cập là muốn “live” thì phải “alive” mới được. Game đã từng là cuộc sống của mình suốt nhiều năm, từ cấp 1, cấp 2 đến cấp 3 và sau đó. Game cũng dạy cho mình nhiều thứ để áp dụng vào công việc, cuộc sống. Game cũng cho mình cơ hội việc làm, bắt đầu cơ hội vào đời, trưởng thành. Game chắc chắn không xấu, đam mê game chắc chắn cũng không có gì xấu, hy vọng các bạn trẻ yêu game ngày càng giúp lan tỏa cái tốt, cái đẹp mà game mang lại chứ không phải drama, tiêu cực.
(game4v.com/phong-van-doc-quyen-game-thu-kiem-lap-trinh-vien-thua-chung-khoan-vai-tram-trieu-di-lam-vai-thang-la-du-go-von-877981.g4v)