Tencent mạnh tay xóa bỏ biệt danh ‘game 3 nước’ cho Liên Quân Mobile
-
Nhà phát hành game lớn nhất Trung Quốc tiếp tục mạnh tay cải tổ đưa giải đấu Liên Quân Mobile nâng tầm thế giới đúng nghĩa đen với tiền thưởng khủng cùng thành phần các team tham dự từ nhiều châu lục khác nhau.
Giải đấu Arena of Valor World Cup 2022 (AWC 2022) được Tencent công bố từ cuối năm 2021 với tổng tiền thưởng lên đến 10 triệu USD, cùng nhiều thể thức mới lạ, đã thu hút sự chú ý của người hâm mộ thể loại game MOBA điện thoại trên toàn thế giới.
Tencent đã mạnh tay kết hợp “đứa con cưng” của mình là Vương Giả Vinh Diệu (VGVD). cùng “người con xa xứ” Liên Quân Mobile trong cùng một giải đấu cấp độ quốc tế để tăng tính hấp dẫn cho cả 2 tựa game ( Cần biết VGVD là tựa game đứng đầu doanh thu trên nền tảng di động với hơn 14 tỷ USD sau 6 năm phát hành).
Với sự kết hợp này, các đội tuyển thuộc giải đấu KPL bộ môn VGVD sẽ có cơ hội thi đấu cùng những người đồng nghiệp bộ môn LQMB trên cùng một bản đồ, cả 2 phe sẽ được chọn lựa các vị tướng quen thuộc từ game mình đang chơi (Chỉ một số tướng có bộ kỹ năng tương tự, ở cả 2 game mới được nhà phát triển đem vào bản đồ thi đấu cho tuyển thủ lựa chọn – Hiện tại số tướng có thể thi đấu đang dừng ở con số 50).
KPL- giải đấu pro league cao nhất của VGVD
Theo Game4V đây là “nước đi” chiến thuật của Tencent để giúp VGVD thoát khỏi cái bóng ông vua game nội địa, 3 năm trước đây VGVD từng được Tencent hỗ trợ thêm tiếng Anh và giới thiệu với các phương tiện truyền thông quốc tế, đặc biệt là giải đấu KPL được live stream trực tiếp trên cả Youtube. Tuy nhiên số người quan tâm vô cùng hạn chế, nguyên nhân chủ yếu do lối thiết kế nhân vật quá thiếu tính nhận diện, đậm chất Trung Hoa của VGVD. Lối thiết kế này phát huy rất tốt ở thị trường trong nước, nhưng khi ra “biển lớn” thế giới rất khó để những Hàn Tín, Tôn Thượng Hương hay Lý Bạch tạo ấn tượng với người hâm mộ, cộng đồng vốn chỉ biết Quan Vân Trường, Trương Phi hay Thường Sơn – Triệu Tử Long cưỡi bạch mã xông vào vạn quân cứu ấu chúa Lưu Thiện mà thôi.
Video review trang phục Triệu Vân Ngũ Hổ Tướng
Nếu giải đấu AWC 2022 được tổ chức thành công và Tencent thăm dò được phản ứng cộng đồng tích cực về lượng người xem, độ phổ biến trên mạng xã hội của giải đấu. Rất có thể họ sẽ ra mắt một phiên bản game đặc biệt kết hợp cả LQMB và VGVD để phát hành ở thị trường quốc tế để thay thế dần LQMB. Vốn dĩ, LQMB được tạo ra với phong cách thiết kế khác VGVD cùng nhiều tính năng và đồ họa cắt giảm để có thể “sống tốt” ở phạm vi ngoài nước, nên việc ra mắt một tựa game hoàn thiện, không cắt giảm lại kế thừa những tinh hoa của tựa game gốc VGVD là nước đi buộc phải có của Tencent.
Riêng về phần LQMB, các giải đấu quốc tế của nó thực tế đã quy tụ hơn số lượng 3 nước từ các năm trước. Ví dụ gần nhất là AWC 2021, giải đấu có sự góp mặt của đại diện Brazil, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Singapore, Malaysia, Trung Quốc (Đại lục và Đài Bắc Trung Hoa). Thế nhưng ấn tượng mà các đại diện nước khác đem lại không mạnh mẽ như cách Việt Nam, Thái Lan hay Đài Bắc Trung Hoa tạo nên, cộng đồng anti LQMB hay gọi là tham gia cho đủ mặt. Điều này cũng không quá khó hiểu khi tổng giải thưởng AWC 2021 chỉ dừng ở con số 500k USD, quá khiêm tốn cho một giải đấu eSports ở cấp độ thế giới.
Chắc chắn AWC 2022 với phần thưởng lên đến 8 con số sẽ là câu chuyện rất khác về quy mô tổ chức hay chất lượng đội tuyển tham dự (Theo cơ cấu giải thưởng chỉ cần tham dự mỗi team sẽ bỏ túi 250k USD ~ 5,8 tỷ đồng). Hãy cùng chờ đợi tháng 10 này để chứng kiến giải đấu eSports lớn nhất dành cho game MOBA điện thoại nói chung và LQMB nói riêng. Ngảy giải đấu khai mạc cũng là ngày cộng đồng người yêu LQMB có thể tự tin nói “KHÔNG” với biệt danh “game 3 nước” vốn ám ảnh họ bấy lâu.
(Nguồn: game4v.com/tencent-manh-tay-xoa-bo-biet-danh-game-3-nuoc-cho-lien-quan-mobile-878389.g4v)