Giải Ngoại hạng Anh nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu cho NFT ở Mỹ
-
Giải Ngoại hạng Anh (EPL) vừa gửi đi hai đơn xin bảo hộ nhãn hiệu liên quan đến tiền mã hóa và NFT ở Mỹ. Dường như giải đấu thể thao được xem nhiều nhất thế giới không thể làm ngơ trước mảnh đất thể thao kỹ thuật số “màu mỡ” này.
Nhiều thương hiệu toàn cầu đang ngày càng thể hiện sự quan tâm đến NFT và metaverse như một phần nỗ lực mở ra nhiều con đường hơn để kết nối với người hâm mộ. Trong dòng chảy này, Giải ngoại hạng Anh (EPL), một trong những giải đấu thể thao được xem nhiều nhất trên toàn cầu, là đơn vị mới nhất bước chân vào metaverse với hai hồ sơ xin bảo hộ nhãn hiệu trình lên Văn phòng Bằng sáng chế và Nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ (USPTO) vào tuần trước.
Theo hồ sơ, EPL đang có ý định mạo hiểm vào các lĩnh vực khác như NFT, tiền mã hóa, bộ sưu tập kỹ thuật số, thẻ giao dịch kỹ thuật số, giao dịch tiền mã hóa, quần áo, giày dép và dụng cụ thể thao ảo.
Trước đó, đã có thông tin cho rằng ban tổ chức Ngoại hạng Anh đang muốn thu về gần 590 triệu USD từ việc bán bản quyền NFT cho các tổ chức khác.
Thị trường NFT đã phát triển khá “nóng” trong những năm gần đây, liên tục đón nhận nhiều ông lớn gia nhập ngành. Một trong những dự án NFT đáng chú ý nhất trong giới thể thao là NBA Top Shot, họ đã dẫn đầu làn sóng NFT với doanh số 230 triệu USD. Bộ sưu tập gần đây đã vượt qua doanh thu hơn 1 tỷ USD, theo CryptoSlam.
Trong khi thị trường tiền mã hóa đang đối mặt với nhiều cơn sóng sụt giảm, doanh số NFT vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. NFT đã trở thành một khu vực đầy tiềm năng dành cho những người nổi tiếng, nghệ sĩ và biểu tượng văn hóa kết nối với người hâm mộ và nuôi dưỡng ý thức cộng đồng.
Vào tháng 4, David Beckham đã nộp ba đơn đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm liên quan đến metaverse và NFT. Nike vừa nộp đơn xin bảo hộ cho cụm từ “Cryptokicks” vào ngày 19/04. Hay mới đây, Meta đã gửi đi 5 đơn đăng ký nhãn hiệu tại Hoa Kỳ, gợi ý cho sự ra đời của nền tảng thanh toán kỹ thuật số “Meta Pay”. Meta trước đó đã nộp 8 đơn đăng ký nhãn hiệu với USPTO kèm mô tả động thái này là một phần trong nỗ lực hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số. Sau vài tháng chỉ trích NFT trên mạng xã hội, siêu sao làng rapper Kanye West vừa qua đã nộp 17 đơn xin bảo hộ nhãn hiệu liên quan đến Yeezus, album phòng thu thứ sáu của anh, tiết lộ kế hoạch phát hành NFT trong tương lai.
Mặc dù các khái niệm NFT và metaverse còn tương đối mới mẻ, số đơn vị xin bảo hộ thương hiệu đã và đang liên tục tăng vọt. Theo báo cáo của Finbold, lượng đơn gửi đến USPTO xin bảo hộ nhãn hiệu cho NFT chỉ riêng ở Mỹ đã tăng hơn 400 lần trong năm nay.
(Nguồn: coin68.com/giai-ngoai-hang-anh-nop-don-xin-bao-ho-nhan-hieu-cho-nft-o-my/)