Meta chính thức gia nhập đường đua siêu AI đang gây sốt toàn cầu
-
Mới đây, cuộc đua siêu AI trở nên nóng hơn bao giờ hết khi Meta chính thức công bố mô hình ngôn ngữ mới mang tên LLaMA.
Theo cơn sốt toàn cầu của trí tuệ nhân tạo (AI) ChatGPT, ông lớn Meta đã không thể ngồi yên và nhanh chóng gia nhập đường đua bằng tuyên bố về phát triển mới của Mark Zuckerberg mang tên LLaMA.
LLaMA là viết tắt của Large Language Model Meta AI (Mô hình Ngôn ngữ Lớn về AI của Meta). Mô hình này hoạt động dưới dạng mở và hoàn toàn miễn phí. Nhiều người nói vui rằng, Mark Zuckerberg thật ra có niềm đam mê thầm kín với loài Lạc đà không bướu, có tên tiếng Anh là Llama, nên đã cố tình đặt cho đứa con tinh thần của mình cái tên đáng yêu như vậy.
LLaMA cho phép người dùng khai thác một lượng lớn văn bản để tóm tắt thông tin, tạo nội dung, trò chuyện cũng như giải quyết các nhiệm vụ phức tạp hơn, bao gồm cả giải các định lý toán học hoặc dự đoán cấu trúc protein.
Hiện tại, LLaMA sẽ tập trung cho 20 ngôn ngữ dùng bảng chữ cái Latinh và Cyrillic, và Tiếng Việt chưa nằm trong danh sách này. Theo công bố, mô hình của Meta đòi hỏi sức mạnh tính toán ít hơn nhiều so với các siêu AI đã ra mắt trước đó với tối đa 65 tỷ tham số, bằng 1/3 so với ChatGPT, nhưng lại được huấn luyện trên 1.400 tỷ từ, cao gấp năm lần siêu AI của OpenAI.
Đáng chú ý, trong thông cáo báo chí mới nhất của mình, Meta đã nêu rõ những hạn chế của LLaMA cũng như các biện pháp bảo vệ mà Meta đã sử dụng để phát triển nó. Các trường hợp sử dụng cụ thể cũng được Meta đề xuất, lưu ý rằng, các mô hình nhỏ được đào tạo trên cơ sở ngôn ngữ lớn như LLaMA sẽ "dễ dàng tái đào tạo và tinh chỉnh hơn cho các trường hợp sử dụng sản phẩm tiềm năng".
Điều đó đồng nghĩa với việc, các lập trình viên có thể xây dựng các mô hình AI một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn mà không cần phải quan tâm nhiều đến sự phức tạp của các quy trình cơ bản. Ngôn ngữ LLaMA được tạo ra dựa trên mô hình và ý tưởng xây dựng một mô hình AI, sau đó được đào tạo bằng cách sử dụng một lượng dữ liệu lớn. Từ đó, bạn có thể tạo dựng các mô hình AI có khả năng tự học và cải thiện không ngừng.
Vào thời điểm cuối năm 2022, mặt trận siêu AI chính thức khởi động khi ChatGPT được OpenAI phát hành. Microsoft sau đó cũng chính thức tích hợp mô hình này vào công cụ tìm kiếm Bing của mình. Google cũng ngay lập tức cạnh tranh bằng Chatbot Bard AI. Một số công ty công nghệ lớn ở châu Á cũng đang xây dựng các sản phẩm tương tự, điển hình như Baidu.