Làn sóng tẩy chay Atomic Heart gia tăng vì liên quan đến vấn đề chính trị
-
Nếu như Hogwarts Legacy bị người hâm mộ kêu gọi tẩy chay vì những phát ngôn của JK Rowling về người chuyển giới thì tựa game mới nổi Atomic Heart cũng không tránh khỏi số phận tương tự vì liên quan đến Nga.
Atomic Heart là dự án mới đang được quan tâm hàng đầu hiện nay bởi cơ chế single-player đơn giản, chủ yếu tập trung vào việc tạo ra một thế giới phức tạp để người chơi thỏa sức khám phá. Tuy nhiên mới đây, làn sóng tẩy chay tựa game này bỗng bùng nổ dữ dội vì liên quan tới Nga.
Trên internet, Atomic Heart bị nhiều người cáo buộc là tuyên truyền cho quân đội Nga. Không chỉ được góp vốn bởi các nhà đầu tư Nga, trò chơi còn được phát triển bởi một studio Nga được cho là đã không lên tiếng chống lại tổng thống của mình trong căng thẳng với Ukraine.
Đến với Atomic Heart , người chơi sẽ hóa thân thành một đặc vụ KGB mang tên P-3, nhiệm vụ chính của P-3 là tiêu diệt kẻ thù và khôi phục hòa bình. Có thể thấy, cốt truyện của trò chơi hoàn toàn không chứa bất kì thông điệp chính trị công khai nào liên quan đến các sự kiện hiện tại. Tuy nhiên, studio đứng sau trò chơi đã phải liên tục đối mặt với các cáo buộc, đặc biệt là sau khi video có tiêu đề "Làm ơn, đừng mua Atomic Heart" được một người dùng YouTube mang quốc tịch Ukraine đăng tải.
Đoạn video đưa ra ba quan điểm chính:
- Thứ nhất, nhà sáng lập studio Mundfish đã cố tình che giấu danh tính và các mối quan hệ trước đây.
- Thứ hai, các nhà đầu tư của studio Mundfish ủng hộ chủ nghĩa quân phiệt Nga.
- Cuối cùng, chính bản thân trò chơi cũng mang thông điệp kêu gọi chiến tranh.
Video hiện đã cán mốc gần 2 triệu lượt xem và tạo nên cơn sốt trong cộng đồng game thủ.
Được biết, Mundfish, studio đứng sau sau Atomic Heart, được thành lập vào năm 2017 và có trụ sở tại Cộng Hòa Síp. Tuy nhiên, nó có quan hệ khá mật thiết với Nga. Robert Bagratuni - Nhà sáng lập studio là một người Nga đồng thời là nhà nghiên cứu vật lý hàng không và khoa học vũ trụ ở Moscow. Bên cạnh đó, trong một bài báo được phát hành vào năm 2019 của Nga có đề cập đến một studio ở Moscow. Mundfish từng tuyên bố có nhân viên "ở khắp nơi trên thế giới" tuy nhiên lại không hề đề cập đến bất kỳ mối liên hệ nào với Nga. Nhà soạn nhạc của trò chơi - Mick Gordon từng hết lời ca ngợi studio ưu tiên "trí tưởng tượng và tự do nghệ thuật", thế nhưng Mick cũng đã quyên góp tiền của mình cho Hội Chữ thập đỏ để giúp đỡ các nạn nhân ở Ukraine. Mặc dù vậy, số lượng cáo buộc chống lại các nhà đầu tư của studio vô cùng lớn.
Theo thông tin từ trang web của Mundfish, các nhà đầu tư của họ lần lượt là Gaijin Entertainment, Gem Capital và Tencent. Trong đó, Gaijin được thành lập tại Nga và hiện có trụ sở tại Budapest, được biết đến là đơn vị đứng sau thành công của trò chơi mô phỏng xe tăng và máy bay miễn phí - War Thunder. Gem Capital đầu tư vào nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm dầu khí. Được biết, người sáng lập quỹ này từng làm việc cho Gazprom trước đây, điều này càng chứng tỏ nó có mối liên hệ với chính phủ Nga.
Chưa dừng lại ở đó, Atomic Heart hiện đang là trò chơi được phân phối bởi VK Play tại Nga, thuộc sở hữu của công ty công nghệ Nga VK, tên gọi trước đây là Mail.ru. VK vận hành VKontakte, thường được gọi là "Facebook của Nga". Điều đáng nói ở đây là, hơn 50% cổ phần của VK thuộc quyền nắm giữ của Gazprom - một công ty có quan hệ chặt chẽ với chính phủ Nga.
Mặc dù tất cả các giả thuyết nhưng bằng chứng đưa ra đều đang chống lại Atomic Heart và làn sóng tẩy chay ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên sau tất cả, việc có mua trò chơi này hay không nằm ở quyền quyết định của mỗi người, vì bạn mới chính là người trải nghiệm, không phải bất kỳ ai khác.