Lý do Đế Chế trở thành một trong những game vĩ đại nhất lịch sử
-
Có tuổi đời gần ¼ thế kỷ nhưng đến nay Đế Chế vẫn sống khỏe với lượng fan hâm mộ ổn định và chưa có dấu hiệu suy thoái sau nhiều năm chính chiến.
Đêm 24, rạng sáng 25/8 theo giờ Việt Nam, sự kiện Gamescom 2021 đã chính thức diễn ra. Tại đây, một video ngắn về lịch sử của cỗ máy bắn đá Trebuchet được chào đón hết sức nhiệt tình. Lý do của điều này dĩ nhiên không phải là vì game thủ yêu thích máy bắn đá, mà là vì đại đa số người xem đều là fan của Đế Chế, dòng game chiến thuật thời gian thực có tuổi đời gần 25 năm. Chúng tôi cũng là fan của Đế Chế, nhưng chưa bao giờ tự hỏi rằng thật ra thì những gì đã tạo ra sức hút này cho đến tận thời điểm này. Sau khi tìm ra lời giải đáp cho chính mình, chúng tôi hy vọng được chia sẻ nó cùng với các bạn.
Sự thành công dài lâu của Đế Chế
Dòng game Đế Chế (Age of Empires) thực sự là một đế chế của ngành công nghiệp game – gần như không có một series nào có thể sánh được với nó về mức độ được yêu mến. Chiến tích này có được là nhờ hai phiên bản đầu tiên cực kỳ xuất sắc, bản sau hấp dẫn hơn bản trước. Dù phiên bản Age of Empires 3 khiến các fan hâm mộ mong chờ một tựa game tuyệt vời hơn cả Age of Empires 2 phải thất vọng vì nó không đạt được tầm vóc này, trò chơi vẫn không phải là tệ, với những thay đổi mới mẻ thực sự khiến game thủ phải bất ngờ.
Những con số về doanh thu của Đế Chế chắc chắn là minh chứng rõ ràng nhất cho sự thành công của chúng. Phiên bản Age of Empires đầu tiên ra mắt vào năm 1997 và bản mở rộng Rise of Rome của nó nhanh chóng đạt đến mốc 4 triệu bản bán ra trong năm 2000, dù vào thời điểm này việc phát hành game còn phụ thuộc vào đĩa vật lý. Age of Empires 2 ra mắt năm 1999 tẩu tán 2 triệu bản chỉ trong vòng một năm, còn Age of Empires 3 dù có kém hơn hai người tiền nhiệm nhưng cũng bay 2 triệu bản sau 2 năm ra mắt. Chúng khiến nhà phát triển Ensemble Studios trở thành “studio khởi đầu mọi thứ” theo lời khen ngợi của báo giới, và Đế Chế được gọi là “một trong những series RTS sáng tạo nhất trên PC trong thập niên vừa qua”.
Đến đầu năm 2020, lại có những con số mới về thành tích của Đế Chế được một trong những người tạo ra nó công bố. Theo ông Brian Sullivan – người đã tạo ra Đế Chế và nhiều series khác thì dòng game chiến thuật của mình đã bán được tổng cộng 25 triệu bản, đem về cho Microsoft khoản doanh thu trị giá 1 tỷ USD. Vì vậy nên ánh mắt của cả game thủ lẫn ngành công nghiệp game đều đang đổ dồn về Age of Empires 4, tựa game đánh dấu sự trở lại của series chiến thuật đình đám này sau hơn một thập niên chờ đợi, dự kiến sẽ được phát hành trong năm nay.
Tại sao Đế Chế lại thành công đến vậy?
Theo số liệu từ Microsoft thì hơn 24 năm sau khi tựa game Đế Chế đầu tiên ra mắt, trung bình mỗi tháng vẫn có 1 triệu game thủ tham gia vào các trận chiến trong các phiên bản khác nhau của series này. Chúng tôi cho rằng sự thành công này đến từ nhiều yếu tố khác nhau, và sẽ lần lượt “mổ xẻ” nó ngay sau đây.
Đầu tiên, một trong những đặc trưng rõ rệt nhất của Đế Chế là lối chơi chậm rãi của nó. Không phải chậm rề rề như những game đánh theo lượt, mà chậm hơn rõ rệt nếu so sánh với StarCraft cùng thời. Một trận StarCraft giữa các cao thủ có thể kết thúc chỉ sau vài phút, và các game thủ bình thường có thể xong trận sau nửa giờ, nhưng với Đế Chế thì các con số này thường có thể được kéo dài gấp đôi, gấp ba. Nguyên nhân chính của điều này có lẽ là bởi Đế Chế lấy bối cảnh lịch sử, và một anh lính quèn chạy bộ chắc chắn không thể lao nhanh như phi thuyền hay chiến hạm không gian.
Chỉ đùa thôi, dù đó quả thật là một lý do hợp lý. Lối chơi chậm rãi của Đế Chế là tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau, chẳng hạn số lượng tài nguyên mà game thủ cần quản lý. Chúng ta có bốn loại nguyên liệu là thức ăn, gỗ, vàng và đá, với nhiều cách khác nhau để thu thập chúng chẳng hạn thức ăn có thể đến từ săn bắt, đánh cá, hái lượm, trồng trọt hoặc mua sắm. Mỗi phương thức thu hoạch có những lợi thế khác nhau và đòi hỏi những hướng mở rộng khác nhau, buộc game thủ phải chơi chậm lại, suy nghĩ về bước đi kế tiếp của mình để tìm ra phương thức tối ưu, phù hợp với cả địa hình lẫn thế mạnh của nền văn minh mà họ lựa chọn.
Yếu tố thứ hai kéo chậm tốc độ của game là sự tách biệt giữa các đời (Age) trong game. Khi bạn khởi đầu một trận Đế Chế mới, mọi người đều ở cùng một khởi điểm, với các đơn vị quân yếu ớt và số lựa chọn rất hạn chế. Nếu có đủ tài nguyên, chúng ta có thể lên đời và mở khóa các loại công trình, đơn vị và công nghệ mới, tất cả đều góp một vai trò rất quan trọng để chiến thắng. Với một lượng công nghệ khổng lồ cần nghiên cứu, từ xe cút kít để tăng năng suất của dân làng đến kỹ nghệ đóng tàu mới và cả những món vũ khí dùng thuốc súng “tối tân”, Đế Chế phân tách chúng vào các đời khác nhau giúp game thủ không bị quá tải lựa chọn dù có rất nhiều việc để làm.
Nhưng chậm thì chậm, game cũng cho người chơi cơ hội để “sống vội” nếu muốn. Khác với Starcraft khi mọi thứ lần lượt được unlock bằng công trình và nghiên cứu mới, trong Đế Chế bạn chỉ có thể đạt được bước tiến vượt bậc về công nghệ khi lên đời trong nhà chính của mình, đặt ra cho game thủ những lựa chọn chiến thuật mới: hoặc chậm rãi phòng thủ, dành dụm tài nguyên lên đời cao hơn để có những loại quân mạnh hơn, hay sử dụng những đơn vị quân yếu từ sớm để phá hủy kinh tế, đè bẹp đối thủ ngay lập tức hoặc ít ra là tiêu hao tài nguyên của đối thủ, khiến họ không thể yên tâm phát triển kinh tế và đánh mất ưu thế ban đầu.
Ngay cả điều kiện để chiến thắng trong Đế Chế cũng có sự khác biệt với đại đa số game RTS khác trên thị trường. Nó mang nhiều nét tương đồng với những game thể loại 4X (Explore, Expand, Exploit, Exterminate – khám phá, mở rộng, khai thác, tiêu diệt) khi bạn có thể thắng bằng vài cách khác nhau, chẳng hạn xây dựng và bảo vệ một kỳ quan, chiếm lấy các Relic, bên cạnh phương thức chinh phục quân sự truyền thống.
Yếu tố thứ ba đem lại cho Đế Chế sự độc đáo của riêng mình là nó khiến game thủ có cảm giác như mình đang xây dựng một đế chế thực thụ. Sự phong phú về số loại tài nguyên và phương thức thu thập khiến game thủ phải không ngừng xem xét lại các công trình khai thác, yếu tố giao thương buộc người chơi phải tính đến việc dành ra một con đường mượt mà cho các cỗ xe hoặc tàu hàng, những căn nhà dân khiến bạn phải suy tính nên đặt chúng ở đâu cho an toàn hoặc cho hiệu quả, và ti tỉ những yếu tố khác khiến Đế Chế có phần giống với SimCity rất nổi tiếng thời bấy giờ, tạo ra thêm chiều sâu cho trò chơi.
Chúng tôi có thể chứng minh tầm quan trọng của yếu tố xây dựng này với bạn. Age of Empires 3, tựa game ra mắt vào năm 2005 đã cố gắng đơn giản hóa việc xây dựng và đây là một trong những lý do khiến trò chơi không được đánh giá cao như những người tiền nhiệm. Khi dân làng không cần phải đi lại để vận chuyển tài nguyên từ điểm khai thác đến điểm tập kết, game thủ không còn cần phải bận tâm đến việc đặt các công trình phòng thủ để bảo vệ họ hay vị trí của “nhà gỗ, nhà thực” và vì vậy làm cho việc xây dựng trở nên kém vui hơn. Rise of Nations cũng có hệ thống tài nguyên khá đa dạng giống Đế Chế, nhưng nó gần như hoàn toàn vứt bỏ yếu tố xây dựng khi gom đại đa số công dụng vào một “thành phố” (thật ra chỉ là một công trình) và cũng không thể đạt tới tầm vóc của Đế Chế.
Không chỉ có Age of Empires 3 hay Rise of Nations, mà nhiều tựa game chiến thuật khác cũng cố gắng đơn giản hóa yếu tố xây dựng này bởi chúng đều cố gắng để thích nghi với một thế hệ game thủ mới “yêu cuồng, sống vội”. Điều này không có gì đáng trách bởi ai cũng muốn thành công, nhưng khi giảm bớt sự phức tạp của việc xây dựng một căn cứ, những tựa game đó cũng vô tình vứt bỏ cả một phần rất hấp dẫn của thể loại chiến thuật. Giữa một tựa game cho phép xây dựng cả một đế chế với đền đài lầu các và một tựa game xây dựng làng xã, đâu là trò chơi hoành tráng hơn? Bạn đã có câu trả lời.
Nhưng chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng chậm hay phức tạp không phải là những yếu tố cần thiết để tạo ra một game chiến thuật hấp dẫn. Dòng game The Settlers là một series chiến thuật cực kỳ phức tạp với rất nhiều loại tài nguyên, nhưng chúng chỉ nổi tiếng với một nhóm nhỏ game thủ. Hai tựa game Đế Chế đầu tiên đã tìm được điểm cân bằng giữa phức tạp và đơn giản, giữa chậm và nhanh, khi nó không có quá nhiều loại tài nguyên để quản lý, không có quá ít thứ để làm, mà mọi thứ đều vừa đủ. Khi chơi những tựa game này, bạn không cảm thấy quá mệt mỏi vì phải đuổi theo tốc độ, không quá nhàm chán vì thiếu việc để làm.
Ngoài việc tạo ra một gameplay độc đáo riêng khiến Đế Chế không bị hòa lẫn vào nhiều tựa game khác (dù có rất nhiều kẻ ăn theo), những yếu tố gameplay đa dạng mà Đế Chế sở hữu đem lại cho những game thủ với những phong cách chơi khác nhau cơ hội giành thắng lợi theo cách của mình, thay vì gò ép tất cả mọi người vào một cách chơi duy nhất trong game. Điều này khiến cho các tựa game trong series chinh phục được vô vàn game thủ yêu thích thể loại chiến thuật, thay vì chỉ phù hợp với những “GOSU” có tốc độ gõ phím thần sầu.
Kết
Với nhiều nguyên nhân khác nhau cuối cùng Đế Chế đã trở thành một trong những trò chơi vĩ đại nhất lịch sử, bất chấp tuổi đời đã gần một phần tư thế kỷ. Ngày nay game thủ Việt vẫn đang miệt mài lên đời với bạn bè trong Đế Chế thông qua nền tảng GPLAY và tính năng AoE Ranking vô cùng hữu ích. Tính năng này không chỉ giúp các game thủ bắt cặp thi đấu với trình độ sát sao hơn mà còn giúp thống kê lại những ưu khuyết của bản thân sau mỗi trận đấu để lần sau cải thiện tốt hơn.
(Nguồn: motgame.vn/ly-do-de-che-la-mot-trong-nhung-game-vi-dai-nhat-lich-su.game)