Counter-Strike tròn 18 tuổi, gần hai thập kỷ vẫn sừng sững một tượng đài
-
Counter-Strike, dù đã tồn tại gần 2 thập kỷ nhưng vẫn là một tượng đài vĩnh cửu khó lòng có thể xóa nhòa khỏi làng game thế giới một sớm một chiều
Vào đúng những ngày này 18 năm về trước, ngày 19/06/1999, phiên bản public test đầu tiên của Counter-Strike, bản mod được Minh Le và Jess Cliffe tạo ra dựa trên nền Half-Life, tựa game bắn súng ra mắt vào năm 1998 và ngay lập tức trở thành một quả bom tấn đúng nghĩa của Valve, dưới bàn tay nhào nặn của Gabe Newell và cộng sự.
Valve từ trước tới nay luôn ủng hộ những bản mod đến từ những nhà làm game không chuyên và đưa nó lên một tầng cao mới với sức mạnh tài chính của họ. Trong số những bản mod được Valve chắp cánh như DOTA 2 hay Team Fortress 2, thì Counter-Strike chắc chắn là cái tên nổi tiếng bậc nhất và là một trong những game eSports được yêu thích nhất. Bản thân Valve cũng đã đích thân thuê hai tác giả của Counter-Strike, trong đó có Minh Le về để hoàn thiện tựa game lấy bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố cực kỳ ấn tượng này.
Người gốc Việt nổi tiếng nhất làng game thế giới
Có lẽ ai gắn bó với Game ở Việt Nam từ những ngày đầu, khi những tiệm chơi Game máy tính mới xuất hiện, vẫn đơn thuần là mạng Lan truyền thống cũ kỹ chứ chưa kết nối Internet như bây giờ, hẳn vẫn nhớ "cảnh, cướp" Counter Strike, mà lúc đó nhiều người vẫn nhầm với cái tên "hép lai".
Không biết bao nhiêu thế hệ Game thủ Việt Nam đã gắn liền với huyền thoại này, từ những cuộc chơi, họp mặt vui vẻ giữa bạn bè cho tới pha đấu súng nảy lửa và chớp nhoáng giữa các Team, Clan trong các kỳ tranh giải, thi đấu. Đó là những điều đầu tiên định nghĩa cho chúng ta tính đồng đội, tinh thần đoàn kết trong một tựa Game, mà hầu như với những Game trước đây, người chơi đều phải đơn thương độc mã một mình.
Nhưng trở lại thời điểm khởi đầu của làng Game Việt lúc đó, có lẽ ít ai biết được rằng, đội ngũ đứng sau bản Mod đặt bước ngoặt cho cả thế giới Game này, lại là tác phẩm của một con người mang trong mình dòng máu Việt Nam - Minh Lê hay còn được gọi với biệt danh "Gooseman", hợp tác cùng người bạn của mình, Jess Cliffe.
Minh Lê sinh ngày 27 tháng 6 năm 1977 và bắt đầu con đường phát triển Game với Quake của id Software vào năm 1996. Một năm sau, anh hoàn thành bản Mod đầu tiên trong đời mình, Navy SEALS, người tiền nhiệm tinh thần đã truyền cảm hứng cho Counter Strike. Trong khi anh vẫn đang làm việc với bản Mod Action Quake 2, anh nảy ra ý tưởng đầu tiên với Counter Strike và sau đó quen biết Jess Cliffe, cũng không lâu sau, 2 người trở những người bạn của nhau.
Mình Lê đặt những bước phát triển Counter Strike đầu tiên trong khi anh vẫn đang học năm thứ 4 của trường Đại Học Simon Fraser. Mỗi tuần, anh dành 20 giờ để phát triển bản Mod và đổ rất nhiều tâm huyết vào đó. Cuối cùng, vào tháng 6 năm 1999, anh cho ra đời bản Beta đầu tiên của Counter Strike, và ngay sau đó tung ra rất nhiều phiên bản Beta kế nhiệm, đưa Counter Strike trở thành cái tên cực kỳ phổ biến trong giới Game thủ lúc bấy giờ.
Cùng thời điểm bản Beta thứ 4 ra mắt, khi nhận ra được tài năng của con người đứng đằng sau sản phẩm rất thành công này, Valve Software đã bắt đầu hỗ trợ cho nhóm phát triển của Minh Lê. Tiếp nối sau đó là vào năm 2000, khi Valve chính thức mua lại thương hiệu Counter Strike và mời Minh Lê cùng Jess Cliffe về làm việc tại trụ sở của họ tại Bellevue, Washington, nơi mà Minh Lê vẫn tiếp tục niềm đam mê của mình với Counter Strike.
Giờ này vẫn không hết sức hút
Dù rằng CS:GO ra đời và đang làm mưa làm gió làng game thế giới, thế nhưng đến giờ, Counter-Strike 1.6 vẫn là lựa chọn hoàn hảo của rất nhiều game thủ Việt, vì nó quá nhẹ, và đã quá quen thuộc với chúng ta. Chẳng biết tự bao giờ, khi cộng đồng Counter-Strike 1.6 thế giới đã có được map pool hoàn chỉnh để thi đấu những giải đấu CS 1.6 với quy mô lớn, khi những cái tên như SK, Fnatic còn đang ngự trị trên đỉnh vinh quang, thì phần đông game thủ Việt vẫn còn mải mê... giết gà, chiếm chợ trong cs_italy, một trong những map được game thủ Việt yêu thích bậc nhất vì sự đơn giản, chỉ cần mua súng, đủ giáp lựu đạn rồi lao ra chợ bắn nhau, bên nào chết hết trước thì bên còn lại thắng cuộc.
Ấy mới biết, phần lớn game thủ Việt mê game bắn súng thường chỉ muốn dùng kỹ năng của họ để chiến thắng đối thủ. Đó cũng là lý do những tựa game bắn súng như Đột Kích hay Truy Kích cũng có chế độ được nhiều người ưa thích nhất chính là chế độ đấu đội (team deathmatch) và chế độ tự do (deathmatch/free for all), vì chẳng cần tactic gì, cứ bắn, thay đạn, bắn, thay đạn, chết thì lại chờ một lúc rồi hồi sinh quẩy tiếp...
Điều này cũng đúng với map Italy. Xét về mặt chiến thuật, thì tôi dám khẳng định đây là một trong những map tù nhất CS 1.6 thời kỳ trước, đơn giản vì bên T chẳng phải làm gì nhiều, chỉ việc ngồi im trên nhà con tin và bắn xuống, thay vì phải lao ra chợ và cổng vòm để đối mặt với phe CT được trang bị tận răng.
Thế nhưng phải nói lại một điều, dù cho Italy cứ đi cổng sau là bị phàn nàn móc lốp, cứ phải ra chợ hứng bom, nhưng cứ hết giờ làm là chúng tôi lại hăm hở tham gia vào game. Dù cho trận đấu có mất cân bằng đến đâu đi chăng nữa, dù vào game toàn trong tình trạng 6 vs 9 hay thậm chí là hơn thế, cảm giác được vào chơi game, được hò hét đầy vui vẻ cùng những người đồng nghiệp khi cùng hạ gục được đối thủ, mà kỳ thực chính là... những ông bạn cùng cơ quan nhưng đang ngồi ở dãy bàn đối diện chứ chẳng phải ai xa xôi.
Lúc đó, thắng thua chẳng còn quan trọng, mà điều cốt yếu là... giết được bao nhiêu mạng. Ấy mới là thứ níu chân chúng tôi trong những trận đấu không hồi kết mỗi lúc giờ làm kết thúc.
Lột xác
Là tựa game kế thừa những tinh hoa của Counter-Strike 1.6, Global Offensive (CS: GO) hiện đang là tựa game bắn súng FPS nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng game thủ Việt.
Global Offensive sở hữu 5 Mode chơi, trong đó có 2 Mode có phần khá "mới" so với người đàn anh Counter-Strike 1.6 vốn quen thuộc với game thủ Việt. Trong đó, 3 Mode chơi quen thuộc là Casual (bắn thường), Competitive (đấu chuyên nghiệp) với 2 loại map chính là giải cứu con tin và gỡ bom được áp dụng, Mode chơi Deathmatch dù khá quen thuộc nhưng đã có những sửa đổi khi chuyển sang tính điểm chứ không chỉ dựa trên chỉ số Kill/Death để xếp hạng, và tất nhiên, những người chơi khi "assist - hỗ trợ" cũng vẫn nhận được điểm chứ không phải chỉ cần "Last Hit" ăn mạng như Counter-Strike 1.6.
Rõ ràng, sự thay giảm sức mạnh của hai khẩu M4A1 và AK47 là điều tất yếu trong Global Offensive, và nó đã được Valve thực hiện, khi không cho phép 2 khẩu súng này có khả năng đục tường dày mà chỉ cho phép bắn xuyên qua một số chướng ngại vật nhất định. Bên cạnh đó, các khẩu súng trường khác (như các khẩu đầu 3) cũng được tăng sức mạnh một chút để tăng sự phong phú về lựac họn vũ khí hơn cho game thủ.
Rõ ràng, là tựa game kế thừa, Global Offensive sở hữu nền đồ họa đẹp và mịn hơn hẳn so với Counter-Strike 1.6. Bên cạnh đó, một số sự điểm khác biệt như khi bị dính bom Flash (bom mù), màn hình của người chơi không chỉ bị trắng xóa mà còn bị rung...
Go Pro
Gần 20 năm, Counter-Strike trải qua ba phiên bản 1.6, Source và Global Offensive. Dù thời thế có thay đổi đến đâu đi chăng nữa, thì cái tên quen thuộc của làng thể thao điện tử vẫn trường tồn cùng với thời gian, với những giải đấu tổng giá trị giải thưởng lên hàng triệu USD, thu hút sự chú ý của hàng triệu game thủ lẫn các đội tuyển chuyên nghiệp. Và Việt Nam, dĩ nhiên, không nằm ngoài guồng quay phát triển ấy.
Giờ đây nhìn lại, những cái tên cùng thời với Counter-Strike như Unreal Tournament, Quake hay StarCraft đều đã lùi vào dĩ vãng, nhường chỗ cho Call of Duty, FIFA hay DOTA 2. Thế nhưng có thể khẳng định một điều, Counter-Strike vẫn là một tượng đài vĩnh cửu khó lòng có thể xóa nhòa khỏi làng game thế giới một sớm một chiều.
(Nguồn: gamek.vn/counter-strike-tron-18-tuoi-gan-hai-thap-ky-van-sung-sung-mot-tuong-dai-20170620234022734.chn)