Nếu VCS Mùa Xuân 2022 không thể diễn ra, toàn bộ các đội tuyển LMHT Việt Nam đều có nguy cơ buộc phải giải thể
-
Sau khi xác định việc VCS Mùa Hè 2021 không được tổ chức và mất luôn suất dự CKTG, một viễn cảnh tệ hơn nữa đang đến gần với các đội tại VCS.
Như đã biết, ở thời điểm hiện tại, xem như mùa giải 2021 đã khép lại với khu vực VCS dù CKTG 2021 vẫn chưa chính thức khởi tranh. Giải Mùa Hè sẽ không thể diễn ra mà theo giải thích của bên phía BTC VCS và Garena chính là vì lý do dịch bệnh. Ngoài ra, Riot Games cũng xác nhận sẽ không có đại diện của khu vực VCS tham dự giải đấu cấp độ cao nhất của làng LMHT ở Iceland sắp tới.
VCS đã không thể tổ chức giải Mùa Hè 2021 vì lý do dịch bệnh. Ảnh minh họa
Theo một số thông tin mới đây, BTC VCS dự định sẽ tổ chức một giải VCS Mùa Đông vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, bên cạnh các đội đồng tình thì phương án này cũng bị một số đội tuyển phản đối như GAM Esports, CERBERUS Esports, BTS Esports. Nhưng, đây là chuyện của hiện tại và trong tương lai thì khu vực VCS sẽ đối phó như thế nào nếu tình trạng này tiếp diễn qua năm sau, khi dịch bệnh (lý do của BTC VCS và Garena đưa ra) vẫn có những diễn biến phức tạp.
Theo một số thông tin, nếu VCS tiếp tục vì lý do dịch bệnh mà không tổ chức các giải đấu vào mùa giải 2022 thì các đội tại khu vực sẽ đối mặt với viễn cảnh xấu nhất chính là giải thể đội tuyển như chính ông Nguyễn Khánh Hiệp - General Manager của GAM đã chia sẻ cách đây ít lâu.
Từ một số nguồn tin của GameK, thì chi phí để vận hành một đội tuyển LMHT tại VCS trong vòng 1 năm là rất lớn, dao động từ con số vài tỷ đồng (chủ yếu rơi vào khoảng 3 - 6 tỷ VNĐ, một số đội tuyển thuộc diện "cạnh tranh vô địch" thì có thể phải phát sinh chi phí lớn hơn do đầu tư vào chuyển nhượng lên tới hàng trăm triệu - hàng tỷ VNĐ, và các công tác khác), bao gồm tiền lương (tuyển thủ và nhân viên), tiền chuyển nhượng, tiền thuê mặt bằng gaming house, tiền đầu tư thiết bị máy móc, chi phí sinh hoạt (ăn uống, đi lại)..v.vv... Đây là còn chưa kể chi phí dành cho công tác đào tạo trẻ, vốn là xu hướng mới được phổ cập trong một vài mùa giải trở lại đây (trừ trường hợp của CES).
Các khoản chi này được bù đắp nhờ tiền thưởng giải đấu, doanh thu từ quảng cáo, nhà tài trợ, các nền tảng stream... Ngay cả trong điều kiện bình thường, cũng có rất ít đội tuyển "làm ăn có lãi", mà thường là thu đủ bù chi. Để làm Esports "có lãi" thì thường phải duy trì mạch thành công trong một thời gian dài, tức là có được thương hiệu vững mạnh, ổn định, từ đó thu hút được các nhà đầu tư lớn hơn.
Các đội, kể cả GAM, đều có nguy cơ sẽ giải thể nếu giải Mùa Xuân 2022 tiếp tục không được tổ chức giải đấu
Chính vì lẽ đó, khi không có giải đấu thì có thể xem như nguồn thu nhập chính từ các đội tuyển đều bị đóng băng hoàn toàn, và gánh nặng tài chính đè lên các "ông bầu" là vô cùng lớn.
Không chỉ liên quan đến vấn đề tiền thưởng mà giải đấu VCS Mùa Xuân và Mùa Hè còn mang ý nghĩa đem lại suất thi đấu quốc tế, giúp khu vực VCS thu hút sự đầu tư từ những cá nhân, tập thể có tiềm lực tài chính mạnh. Chắc chắn sẽ không có bất kỳ "ông bầu" nào đầu tư vào một giải đấu không thể diễn ra trong thời gian dài, và đây chính là điều mà các đội tại VCS vô cùng lo sợ, nhất là khi một số tập đoàn danh tiếng trong làng Esports như NRG Asia hay Team Secret… đang vô cùng kỳ vọng vào tiềm năng của khu vực VCS.
Tuy lo lắng là vậy nhưng có một thực tế là, đến tận bây giờ, mọi chuyện vẫn chưa được phía BTC VCS công bố chính thức. Phía NPH game vẫn khẳng định rằng họ đang nỗ lực để mang giải đấu trở lại, và nguồn tin hành lang về sự ra đời của VCS Mùa Đông 2021 là một minh chứng. Nhưng nguy cơ thì hiện hữu vô cùng rõ ràng dù chắc chắn, không một fan LMHT nào tại Việt Nam hay có thể là cả thế giới, mong chờ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra.
(Nguồn: gamek.vn/neu-vcs-mua-xuan-2022-khong-the-dien-ra-toan-bo-cac-doi-tuyen-lmht-viet-nam-deu-co-nguy-co-buoc-phai-giai-the-20210920071225851.chn)