Võ Lâm Truyền Kỳ và hành trình 15 năm tạo nên tượng đài bất diệt
-
Thấm thoắt đã 15 năm kể từ cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, với những buổi săn nhím, những lần “sấp mặt” vì đánh boss hay khoảnh khắc vỡ òa khi nhặt được “đồ ngon”… Võ Lâm Truyền Kỳ đã trở thành cái tên được đặt một vị trí trang trọng trong ngăn tủ ký ức của nhiều thế hệ game thủ Việt.
Đúng như tên gọi của mình, câu chuyện về hành trình của Võ Lâm Truyền Kỳ tại Việt Nam cũng lắm cái sự “truyền kỳ” không kém. Mà khởi đầu của nó chính là cú “làm liều” đến từ đội ngũ nhân sự đời đầu của NPH VinaGame (tiền thân của VNG), khi quyết tâm dốc túi để mang về bằng được tựa game Trung Quốc có tên gọi Kiếm Hiệp Tình Duyên.
Võ Lâm Truyền Kỳ – Những câu chuyện dở khóc dở cười thuở ban đầu
Tháng 4/2005 có thể coi là một trong những cột mốc trọng đại nhất của làng game Việt, bởi đó là quãng thời gian chứng kiến sự ra mắt của một tựa game làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt thị trường giải trí trong nước: trò chơi nhập vai trực tuyến Võ Lâm Truyền Kỳ do VinaGame phát hành.
Nhìn vào sự phát triển hùng mạnh của VNG ngày hôm nay, có lẽ ít ai ngờ được xuất phát điểm của NPH này chỉ là một nhóm 5 thành viên vận hành game. Và đó cũng là 5 vị “Võ Lâm Ngũ Bá” đã khai sinh ra Võ Lâm Truyền Kỳ tại Việt Nam, theo cách gọi vui của cộng đồng game thủ. Và với những người trong cuộc thì hành trình đưa tựa game ấy về nước nhà thực sự là một trải nghiệm khó phai với vô số những cung bậc cảm xúc.
Các thành viên của NPH VinaGame trong chuyến công tác sang Trung Quốc đàm phán mua bản quyền Võ Lâm Truyền Kỳ (Kiếm Hiệp Tình Duyên)
Khi đàm phán hợp đồng phát hành game với KingSoft, tổng vốn huy động của VinaGame chỉ có 70.000 USD, trong khi giá mua game là 160.000 USD, và số tiền trả trước mà NSX Trung Quốc yêu cầu tối thiểu cũng lên tới 80.000 USD. Đoàn VinaGame khi đó đã phải nỗ lực để đàm phán hạ số tiền thanh toán lần đầu tiên này xuống còn 50.000.
Tháng 6 và tháng 7/2005, tức hơn 2 tháng kể từ khi Võ Lâm Truyền Kỳ ra mắt tại Việt Nam, cũng là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử VinaGame, doanh thu từ game chưa thể bù đắp lại những khoản chi phí phát sinh khổng lồ. Và một lần nữa, Ban quản trị game lại phải đi… mua chịu server. “Cũng may mà bên bán server… tốt bụng.”
Khoảnh khắc lịch sử của VNG cũng như làng game Việt: Bản hợp đồng phát hành VLTK tại Việt Nam giữa NSX Kingsoft (trái) và ông Lê Hồng Minh – Đại diện NPH VinaGame (phải) chính thức được ký kết
Mua game cũng “chịu”, mua server cũng “chịu”, khó khăn chồng chất khó khăn nhưng bằng nhiệt huyết và lòng quyết tâm cao độ, cuối cùng, tựa game đầu tiên thuộc dòng Kiếm Hiệp Tình Duyên đã chính thức có mặt ở Việt Nam, trở thành điểm đến của người người, nhà nhà từ năm 2005. Và hơn một thập kỷ qua, Võ Lâm Truyền Kỳ đã không đơn thuần là một tựa game mà trở thành một biểu tượng văn hóa của thời đại công nghệ số, khắc sâu trong tâm khảm của những thế hệ người Việt 8x, 9x như một miền ký ức tuổi trẻ tươi đẹp nhất.
Khẳng định tên tuổi & trở thành biểu tượng văn hóa giải trí ở thị trường Việt
120.000 tài khoản đăng ký sau 48 giờ ra mắt phiên bản Close Beta; 4,7 triệu lượt người chơi sau 6 tháng ra mắt và đạt kỷ lục 200.000 người đăng nhập cùng một thời điểm; cùng với đó là hàng trăm bang hội được thành lập, hàng chục giải đấu và sự kiện lớn nhỏ được triển khai… Mọi con số thống kê dường như đều nằm ngoài sức tưởng tượng của ngay cả những nhân sự trong đội ngũ vận hành game.
Nhưng chẳng cần nhắc tới những con số thống kê trên, thì cộng đồng game thủ cũng thừa sức cảm nhận được sự ảnh hưởng to lớn và tầm phủ sóng rộng rãi mà Võ Lâm Truyền Kỳ mang lại. Đã từng có thời, quán net nào cài đặt Võ Lâm Truyền Kỳ mới được coi là quán net “xịn”. Trong một lớp học, “đứa nào” sở hữu tài khoản Võ Lâm có trang bị khủng, có cấp độ trên 100, mặc định được tôn xưng là “lão đại”…
Giai đoạn 2005 – 2010 là thời điểm làng game Việt chịu ảnh hưởng sâu rộng của dòng game nhập vai kiếm hiệp, mà Võ Lâm Truyền Kỳ chính là ngôi sao rực rỡ nhất. Nhưng để có được vị thế đó, NPH game cũng đã phải đánh đổi rất nhiều thứ, phải đưa ra những quyết định mang đầy tính rủi ro, những bước đi táo bạo mà ít ai dám nghĩ tới.
Để có được những thành quả bước đầu đó, đội ngũ vận hành Võ Lâm Truyền Kỳ lại tiếp tục lao vào những cuộc chạy deadline hết công suất, từ họp bàn lên ý tưởng, xây dựng các chiến dịch quảng bá game. Đã có những lúc, trong nội bộ NPH xảy ra những cuộc tranh cãi gay gắt do những khác biệt về tư duy ý tưởng, nhưng cuối cùng, niềm đam mê, tâm huyết, sự gắn kết giữa những tâm hồn máu lửa đã gắn kết họ lại.
Và Võ Lâm Truyền Kỳ đã đưa ra một ý tưởng quảng bá có 1-0-2 khi đó. Ở thời đại mà Mạng xã hội vẫn còn là một khái niệm mơ hồ, các nhân viên của VinaGame đã lựa chọn cách tiếp xúc trực tiếp với các game thủ, trực tiếp đến với các phòng net, quán game để làm công tác hướng dẫn, giải đáp cho người chơi.
Trong những năm đầu tiên, hoạt động quảng bá VLTK trở nên rầm rộ ở các quán net. Ảnh: Những game thủ trong top “Thập đại mỹ nhân” của Võ Lâm Truyền kỳ chăm chú theo dõi giải đấu Đại Hội Võ Lâm lần 1
Nếu là một game thủ Võ Lâm Truyền Kỳ từ những thời kỳ đầu, chắc hẳn chúng ta sẽ nhớ tới những hình ảnh những tấm banner Võ Lâm Truyền Kỳ dán trên biển hiệu, và sẽ có một hoặc một vài nhân viên mặc áo đồng phục VinaGame hoặc VLTK túc trực tại các phòng máy. Nhiệm vụ của họ sẽ là kêu gọi người chơi trải nghiệm Võ Lâm Truyền Kỳ, hoặc hướng dẫn các công đoạn đăng ký, đăng nhập game.
Trên lý thuyết là vậy, nhưng thực tế những nhân viên này đôi khi còn kiêm luôn cả nhiệm vụ… nhân viên quán net, họ đôi khi phụ giúp chủ quán phục vụ đồ ăn, nước uống, kiểm tra máy móc trong giờ cao điểm, thậm chí, đối với những người chơi cảm thấy khó làm quen với game, những chàng trai cô gái này còn nhiệt tình… chơi hộ để làm mẫu luôn.
Không chỉ ở quán net, VNG còn đưa ra những kế hoạch hỗ trợ hết mực đối với các hoạt động Offline, ngay cả khi đó là những sự kiện tự phát, không phải do NPH tổ chức. Các cuộc gặp mặt của game thủ, bang hội đều nhận được sự hỗ trợ từ đội ngũ nhân sự của NPH, giúp người chơi tận hưởng cảm giác thoải mái, dâng trào nhiệt huyết khi tham gia mọi sự kiện liên quan đến game.
Sự nhiệt huyết tỏa ra từ đội ngũ nhân sự đó đã mang lại những ấn tượng tích cực trong mắt game thủ về Võ Lâm Truyền Kỳ. Còn ở khía cạnh chuyên môn, nói không ngoa thì phương thức Marketing “lạ đời” của VinaGame đã mở ra một hướng đi hoàn toàn mới và trở thành cuộc cách mạng trong công tác quảng bá sản phẩm được các NPH áp dụng một cách phổ biến cho đến hiện tại.
Câu chuyện Thu phí – Miễn phí và những bài học đắt giá
Trước Võ Lâm Truyền Kỳ, khái niệm “game thu phí” là điều hoàn toàn xa lạ, sau Võ Lâm Truyền Kỳ, hình thức thu phí giờ chơi cũng chỉ được áp dụng hiệu quả ở một số tựa game nhất định.
Ở thời kỳ mà một tiếng chơi net chỉ tốn 3000 đồng, việc bỏ ra con số tới 20.000 đồng để đổi lấy 7 ngày chơi game quả thực đã khiến không ít game thủ phải đắn đo. Như đã đề cập ở trên, việc áp dụng hình thức thu phí giờ chơi của Võ Lâm Truyền Kỳ hồi tháng 8/2005 đã vấp phải một làn sóng tương đối dữ dội từ cộng đồng.
Thời điểm đó, có lẽ ngay cả những người tâm huyết và đặt niềm tin tuyệt đối vào Võ Lâm Truyền Kỳ, có lẽ cũng nảy sinh cảm giác e ngại về việc bao công sức để gây dựng thương hiệu cho tựa game trong gần nửa năm qua có nguy cơ tan thành mây khói.
Nhưng rốt cuộc, hình thức thu phí giờ chơi đã nhanh chóng chứng minh được những mặt tích cực của nó. Để đổi lấy việc người chơi phải chi tiền cho những giờ trải nghiệm game, Võ Lâm Truyền Kỳ không hề có hệ thống bán trang bị qua Cash shop. Mọi giao dịch trang bị đều phát sinh giữa người chơi với nhau. Hay nói cách khác, phí giờ chơi là khoản tiền duy nhất mà game thủ phải chi ra để trải nghiệm Võ Lâm Truyền Kỳ trong giai đoạn ban đầu, còn lại, những thứ như tiền ingame, trang bị… đều có thể nhận được thông qua việc cày cuốc.
Điều này đã khiến cho người chơi cảm nhận được rằng những đồng tiền mình bỏ ra cho từng giờ chơi game đều đặc biệt đáng giá, chẳng hạn như khi một game thủ đánh đổi hàng giờ cày game, farm quái, săn boss để rồi bất ngờ nhận được một món trang bị 2 – 3 dòng thuộc tính mạnh, trải nghiệm tuyệt vời đó chắc chắn là thứ mà không ít “đồng đạo võ lâm” đã từng tận hưởng.
Một vấn đề nữa cho thấy sự khác biệt giữa game thu phí so với game miễn phí, đó chính là chất lượng người chơi. Việc đóng phí để chơi game mang đến cho game thủ Võ Lâm Truyền Kỳ một tinh thần trách nhiệm cao hơn, và nó cũng hạn chế rất nhiều những hành vi phá game, tạo tài khoản ảo (thứ đã khiến rất nhiều game khác trở thành những “tựa game ma”). Mỗi một nhân vật trong Võ Lâm Truyền Kỳ nhờ đó cũng tự ý thức được sự hiện diện và vai trò của mình trong cộng đồng.
15 năm như nước chảy về đông, chuyện năm xưa cứ ngỡ vừa hôm qua
Võ Lâm Truyền Kỳ có thể không phải là game online đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam, nhưng sự xuất hiện của dòng game này chính là một trong những viên gạch đầu tiên xây nên ngành game Việt “rực rỡ” như hiện nay. Việc tận dụng những nét tinh túy trong lối chơi, khai thác điểm mạnh của một tựa game kiếm hiệp, cùng với đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ phát hành game trong các phương diện chăm sóc khách hàng, đã giúp VLTK vươn tầm trở thành một trong những biểu tượng đại diện cho thời đại “sơ khai” của làng game Việt.
Đối với những người yêu kiếm hiệp, hành trình 15 năm của Võ Lâm Truyền Kỳ có thể được ví von như một cao thủ võ lâm, đi từ vị trí của một võ giả vô danh, từng bước lĩnh hội tinh hoa võ thuật, đổi mới bản thân để vươn lên tầm vóc vĩ đại của một đệ nhất cao thủ vang danh thiên hạ. Minh chứng rõ ràng nhất chính là những “người kế nhiệm” của dòng game này. Mỗi tựa game được đưa về là một “cơn địa chấn” với làng game Việt, mỗi thành công được ghi nhận là một điểm nhấn trong lịch sử. Võ Lâm Truyền Kỳ II được cộng đồng gamer bình chọn là Game PK hay nhất Việt Nam trong 3 năm liền (2008 – 2010). Võ Lâm Miễn Phí thu hút 18 triệu người chơi sau 7 năm ra mắt. Offline Đại Kiếm Hội của Kiếm Thế đón hơn 21.000 nhân sĩ tham gia, trở thành sự kiện cộng đồng lớn nhất của làng game lúc bấy giờ. Võ Lâm Truyền Kỳ 3D khởi xướng phong trào cosplay nhân vật game trong cả nước. Võ Lâm Truyền Kỳ – Công Thành Chiến mở liền 63 cụm máy chủ trong ngày đầu ra mắt, tất cả đều đông như trẩy hội. Hay như “người em út” Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile vẫn đang là tựa game xô đổ hàng loạt kỷ lục của cả làng game về số người chơi, lượng máy chủ và cả “bộ sưu tập” môn phái khủng nhất hiện nay.
15 năm có thể là cột mốc trưởng thành của những cậu nhóc còn ngồi trên ghế nhà trường, 15 năm cũng là cả một cõi thanh xuân của những chàng trai, cô gái năm xưa. Quãng đường 15 năm phát triển của Võ Lâm Truyền Kỳ đôi khi cứ thầm lặng như nước chảy mây trôi, nhưng mỗi lần nhắc lại là thêm một lần hoài niệm. Để đến khi nhìn lại, những bước giang hồ năm xưa giờ không chỉ là những hoài niệm đẹp mà còn trở thành “hành trang vào đời” của biết bao thế hệ game thủ.
Hơn một thập kỷ trôi qua, con người ai cũng ít nhiều thay đổi, nhưng Võ Lâm Truyền Kỳ vẫn còn đó, sừng sững như một tượng đài bất diệt của ngành game Việt. Và hơn thế, thương hiệu Võ Lâm Truyền Kỳ đã trở thành một sự bảo chứng về chất lượng của rất nhiều tựa game dòng kiếm hiệp tình duyên mà VNG mang đến cho cộng đồng.
Ngày 20.12.2020, cộng đồng game thủ dòng game Võ Lâm Truyền Kỳ – Kiếm Hiệp Tình Duyên sẽ một lần nữa được “tề tựu” cùng nhau tại Đại Hội Võ Lâm, cùng “ôn cố tri tân” – nhìn lại những hồi ức đẹp và đón chờ những điều bất ngờ từ Ban điều hành dòng game này. Chương trình sẽ được livestream tại Fanpage/Youtube của các game.
(Nguồn: game4v.com/vo-lam-truyen-ky-va-hanh-trinh-15-nam-tao-nen-tuong-dai-bat-diet-728879.g4v)