VNG không biết làm Esports? Quan điểm đó đã cũ và sai rồi, hãy nhìn vào Tốc Chiến và PUBG Mobile bây giờ
-
Nếu chỉ vì những lý do này mà cho rằng VNG không biết làm game Esports thì quả thực là không công bằng.
Như đã từng nói trước đây, tại thị trường Việt Nam hiện tại chỉ có hai nhà phát hành là đủ sức, đủ lực và đủ tầm để phát hành game Esports. Đó chính là Garena và VNG. Nếu như Garena là NPH chuyên phát hành các sản phẩm thể thao điện tử thì VNG từ trước tới nay đã in hằn trong tâm trí game thủ Việt là một công ty nổi tiếng từ các sản phẩm nhập vai như Võ Lâm Truyền Kỳ, Kiếm Thế…
Tuy nhiên, với năng lực và khả năng của mình, VNG chấp nhận chịu chi vào cuộc chiến Esports tốn kém rất nhiều tiền của này. Và trong đó, có tựa game thành công nhưng cũng có không ít các thất bại. Lưu ý: Bài viết chỉ giới hạn trong các tựa game Esports Mobile được phát hành bởi VNG.
Những sản phẩm từng là niềm hy vọng để rồi vụt tắt
3Q 360mobi là tựa game MOBA di động gần như là đầu tiên được phát hành tại thị trường Việt Nam. Ra mắt trước cả Liên Quân Mobile và không thiếu những giải đấu có quy mô lên tới tiền tỷ tại giai đoạn năm 2017 với giải đấu chính quy là 360mobi Championship. Nhưng rồi số lượng người chơi tụt giảm ngày một nhiều khiến cho VNG buộc phải tuyên bố đóng cửa để nhường chỗ cho một sản phẩm MOBA khác là Mobile Legends: Bang Bang (MLBB).
Nhắc tới Mobile Legends thì đây là một tựa game MOBA từng được đánh giá rất cao tại thị trường Trung Quốc, thậm chí từng có thời điểm tạo thế so kè với Vương Giả Vinh Diệu. Tuy nhiên, Mobile Legends: Bang Bang cũng rơi vào trạng thái “lóe sáng giai đoạn đầu” để rồi trở lại trạng thái “im ỉm”. Dù số lượng game thủ MLBB vẫn khá đông và trung thành, nhưng thật khó để khẳng định tựa game này là một sản phẩm Esports thành công của VNG.
Ngoài game MOBA, VNG cũng từng phát hành nhiều tựa game bắn súng. Điển hình là Crossfire Legends, sản phẩm từng có một chuỗi giải đấu cực kỳ thành công trong giai đoạn 2017 – 2018. Nhưng rồi những vấn đề liên quan đến hack, cheat và không thể update khiến cho trò chơi này thực sự trở thành một “dead game”.
Hack từng phá nát Crossfire Legends
Tiếp theo là Call of Duty Mobile được phát hành song song với giai đoạn Crossfire Legends đóng cửa. Là một tựa game được đánh giá cao tại các thị trường quốc tế, nhưng ở Việt Nam, VNG gần như chưa tổ chức được một giải đấu nào đáng kể cho tựa game này. Nguyên nhân khách quan tới từ đại dịch Covid-19 bùng phát phức tạp vào đúng thời điểm Call of Duty Mobile đang phát triển, còn chủ quan đến từ việc game bắn súng lại rơi vào tình trạng hack cheat tương tự như Crossfire Legends.
Một cái nữa là Rules of Survival, cái tên có lẽ đã rơi vào quên lãng đối với nhiều game thủ Việt cũng từng là một tựa game bắn súng sinh tồn được phát hành bởi VNG nhưng rồi cũng nhanh chóng rơi vào sự quên lãng. Mà nguyên nhân chủ yếu đến từ chính PUBG Mobile, điểm sáng hiếm hoi của VNG trên “mặt trận” Esports.
Những điểm sáng của hiện tại
Không thể nói VNG không có các sản phẩm Esports thành công. Ví dụ đầu tiên chính là PUBG Mobile, tựa game bắn súng sinh tồn vẫn đang có lượng người chơi đông đảo, cộng đồng tương tác mạnh và các giải đấu được tổ chức với quy mô từ nghiệp dư cho tới chuyên nghiệp. Số lượng các đội tham gia đông đảo, tiền giải lớn và cơ hội cọ sát ra quốc tế là những hy vọng mà PUBG Mobile đã và đang làm trong vài năm trở lại đây.
Giải đấu chuyên nghiệp của PUBG Mobile vẫn được tổ chức thường niên
Cái tên thứ hai chính là hai sản phẩm mới được phát hành, là bộ đôi từ “nhà Riot”: Tốc Chiến và Huyền Thoại Runeterra. Được phát hành dưới cơ chế hợp tác đồng phát hành giữa VNG và Riot, Liên Minh: Tốc Chiến và Huyền Thoại Runeterra đang có những bước khởi động đầu tiên với các giải đấu chuyên nghiệp.
Điểm đáng chú ý là hai tựa game này được phát hành trên toàn khu vực Đông Nam Á nên cơ hội để các đội tuyển Việt bước ra quốc tế là rất sáng. Bằng chứng là ngay trong mùa giải đầu tiên của Tốc Chiến, hàng loạt các tổ chức Esports lớn tại Việt Nam đều ghi danh tham gia. Tuy số lượng người theo dõi chưa nhiều song chắc chắn con số này sẽ tăng lên trong thời gian tới.
Và Icon Series SEA của Tốc Chiến
Vấn đề là gì?
Vấn đề nằm ở chỗ VNG không phải không có tiềm lực tài chính để phát hành và tổ chức giải đấu Esports mà đến từ cách quản lý cũng như vận hành sản phẩm. Đa phần các sản phẩm thất bại đều liên quan đến việc hack cheat trong game. Hy vọng trong tương lai, VNG sẽ khắc phục được những điểm yếu cố hữu này để khiến cho các sản phẩm tiềm năng như Tốc Chiến, PUBG Mobile tiếp tục phát triển mạnh mẽ và trở thành NPH giỏi làm Esports chứ không chỉ riêng nhập vai.
(Nguồn: gamek.vn/nph-so-mot-viet-nam-khong-biet-lam-esports-tat-ca-cac-san-pham-tiem-nang-deu-dead-vi-ly-do-am-anh-nay-20210418233827667.chn)