Những tựa game NFT có vốn hóa cao
-
Gần đây, Axie Infinity, The Sandbox hay Dencentraland là những tựa game NFT thu hút lượng lớn người chơi. Các dự án này cũng có vốn hóa cao trong thị trường coin.
Trong mùa giãn cách, nhiều người chơi tham gia mô hình Play-to-earn (chơi để kiếm tiền). Trong đó, những tựa game blockchain như Axie Infinity, The Sandbox và Dencentraland thu hút được nhiều người chơi.
Axie Infinity (AXS)
Axie Infinity là một trò chơi trực tuyến do đội ngũ Sky Mavis sáng lập, studio có trụ sở đặt tại Việt Nam. Theo thông tin từ Sky Mavis, studio này được thành lập vào năm 2018 bởi ông Nguyễn Thành Trung cùng với Aleksander Leonard Larsen và Jeffrey Zirlin. Trong đó, Nguyễn Thành Trung là người đầu tiên có ý tưởng về trò chơi Axie Infinity từ năm 2017.
Tựa game này cho phép người dùng thu thập, lai tạo, nuôi dưỡng thú cưng, được gọi là Axie và đem chúng đi chiến đấu. Đặc biệt, những chú thú nuôi này được mã hóa dưới dạng NFT (token không thể thay thế).
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, loại coin của Axie Inifinity (AXS) hiện có mức vốn hóa vào khoảng 8,4 tỷ USD và đang đứng ở vị trí 21 trên bảng xếp hạng các dự án tiền số có vốn hóa lớn nhất thị trường.
Tựa game Axie Infinity có đồ họa đáng yêu. Ảnh: Axie Infinity.
Trong mùa giãn cách, nhiều người dùng ở Phillipines tham gia chơi tựa game này. Trong đó, anh John Aaron Ramos, 22 tuổi, sinh sống tại thủ đô Manila, Philippines cho biết bản thân đã mua được nhà nhờ việc "cày" Axie Infinity.
Qua các nhiệm vụ trong trò chơi, game thủ sẽ kiếm được coin SLP. Đồng tiền mã hóa này có thể được giao dịch để chuyển đổi thành tiền mặt. Khi mới ra đời, đồng SLP có giá 0.03 USD, đến khoảng tháng 5, giá của đồng tiền này tăng vọt lên 0,36 USD. Một người chơi Axie Infinity ở Philippines có thể kiếm được khoảng 30.000-50.000 Peso mỗi tháng, tương đương 1.500-2.500 USD.
Tuy vậy, ngày 3/10, giá của SLP đã giảm rất sâu do mức độ phổ biến nhanh chóng và nguồn cung vô tận của đồng tiền này, dẫn đến tình trạng lạm phát. Đồng thời, nhiều người dùng "cày" được một số lượng lớn token, họ bán tháo và chốt lời khiến giá của đồng tiền này giảm mạnh.
Phía nhà phát hành cũng đã thay đổi cơ chế của game, tăng phí nhân giống thú cưng bằng đồng SLP nhằm giảm tình trạng lạm phát.
Decentraland (MANA)
Decentraland được sáng lập bởi Ari Meilich và Esteban Ordano. Cả hai người đều đã từ từ bỏ chức vụ cao, xuống làm cố vấn cho dự án này. Theo mô tả, đây là trò chơi Metaverse (thế giới ảo) được phát triển dựa trên nền tảng Ethereum, nơi người dùng có thể kiếm tiền bằng cách mua bán vật phẩm NFT.
Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, ngày 3/10, vốn hóa của tựa game này đang ở mốc 1,3 tỷ USD, đứng ở vị trí thứ 78 trên bảng xếp hạng vốn hóa của các dự án tiền số.
Tựa game blockchain Decentraland cho phép người dùng tương tác, trải nghiệm trong một thế giới ảo, giao dịch tác phẩm nghệ thuật NFT, tính phí vào cửa một buổi triển lãm hay đêm nhạc ảo. Đồng thời, người chơi còn có thể kiếm tiền bằng cách kinh doanh đất đai. Giá đất ảo trong Decentraland cũng đã tăng mạnh trong vài năm qua.
Decentraland có thể giúp người dùng trải nghiệm Metaverse, mô hình mà các công ty công nghệ lớn đang theo đuổi. Ảnh: CVN
Tuy vậy, mô hình game blockchain Metaverse cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Chia sẻ với Zing, quản trị viên của cộng đồng đầu tư tiền mã hóa tại TP.HCM, ông Đào Hoàng Vạn Lý cho rằng xu hướng game Metaverse trong thị trường tiền mã hóa có thể trở thành một "bong bóng" đầu cơ. Tuy nhiên, hiện tại chưa phải là đỉnh điểm của mô hình này.
"Theo quan điểm cá nhân của tôi, xu hướng Metaverse trong blockchain hiện tại đang dừng lại ở việc phát hành trò chơi. Tuy nhiên, các tựa game này chưa có yếu tố công nghệ thực tế ảo nào đặc biệt, chỉ xoay quanh khả năng kiếm tiền từ NFT và việc giao lưu giữa người chơi. Các tựa game này sẽ nhanh chóng bị thoái trào nếu không được cập nhật những công nghệ đi theo xu hướng Metaverse sắp tới", ông Lý nhận định.
The Sandbox (SAND)
Tương tự Decentraland, The Sandbox là một tựa game Metaverse, được phát triển dựa trên blockchain Ethereum bởi công ty Pixowl. Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, đồng tiền mã hóa của tựa game The Sandbox (SAND) đang dao động ở mức 696 triệu USD, đứng vị trí 113 trên bảng xếp hạng vốn hóa của thị trường coin.
Tựa game này cho phép người dùng trải nghiệm tương tác trong thế giới Metaverse và kiếm tiền từ nội dung của mình tạo ra. Để tham gia chơi The Sandbox, người dùng cần sở hữu nhân vật và đất ảo dưới dạng NFT.
The Sandbox có đồ họa tương tự Minecraft. Ảnh: Medium.
Đặc biệt, game thủ còn có thể tạo ra những trò chơi và tính phí người dùng khác khi tham gia. Ngoài ra, nhà phát hành còn cho phép người chơi chế tạo trang phục, vật phẩm... để bán và thu lại lợi nhuận.
“Sự phát triển của game NFT đã cho thấy mọi người thậm chí có thể kiếm nhiều tiền hơn so với đời thực. Nó tạo ra một sân chơi bình đẳng khi bất cứ ai cũng có thể kiếm tiền từ bất cứ đâu", ông TJ Kawamura, thành viên của Republic Realm & Republic Crypto nhận định trong một buổi tọa đàm về NFT.
(Nguồn: zingnews.vn/nhung-tua-game-nft-co-von-hoa-cao-post1267066.html)