Góc VCS: Lý giải nguyên nhân thất bại của SBTC Esports
-
Khép lại cuộc hành trình tại VCS Mùa Đông 2021 với vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng, rõ ràng SBTC Esports có nhiều hơn một nguyên nhân dẫn đến thất bại của mình ở mùa giải năm nay.
Sự sa sút của Artifact
Gia nhập SBTC Esports với vô vàn sự kỳ vọng, Artifact được xem là một mảnh ghép hoàn hảo trong công cuộc chinh phục một vị trí trong top 4 của đoàn quân Tam Kê. Thế nhưng việc không có một phong độ tốt nhất đã khiến cho Artifact phải nhường vị trí cho Hiro – vốn là một tuyển thủ đường trên. Ngay cả trong những lần hiếm hoi được ra sân, màn trình diễn của tuyển thủ sinh năm 2000 cũng vô cùng nhạt nhòa.
Bể tướng của các tuyển thủ quá hẹp
Việc không có sự phục vụ của Artifact khiến cho SBTC Esports phải dùng đến 2 tuyển thủ đường trên, điều này dẫn đến đội hình của SE thường xuyên gặp phải tình trạng thiếu đi nguồn sát thương phép. Trong tuần đầu tiên, việc các đội tuyển thả Nidalee của Penguin giúp cho đội hình của SE khá dễ vận hành với 2 đấu sĩ ở đường trên và đường giữa. Tuy nhiên, khi vị tướng này bị cấm đi, điểm yếu về mặt đội hình của SE ngay lập tức bị bộc lộ. Rõ ràng, khi cầm những chất tướng như Kennen, Gwen hay Ryze, Syndra, cả NPer lẫn Hiro đều không thể phát huy được tối đa sức mạnh.
Trong giai đoạn cuối vòng bảng, Viktor với ngọc Đòn Phủ Đầu nổi lên như một hot pick ở đường giữa. Ngay lập tức, hạn chế của Hiro được thể hiện rất rõ nếu so sánh với những “chuẩn” đường giữa khác như Yado, Blazes hay Glory. Phương án cuối cùng là để xạ thủ Ceblebrity cầm những chất tướng pháp sư đường dưới như Ziggs hay Syndra. Tuy nhiên đây cũng chính là phương án thiếu thực tế nhất vì để “AD quốc dân” cầm những vị tướng trái tay thì chẳng khác gì SE tự bắn vào chân mình vậy.
Những tuyển thủ trẻ “non” về mặt tâm lý
Với một đội hình có sự xuất hiện của nhiều tuyển thủ trẻ như NPer, Penguin, Hiro hay thậm chí là cả Fear, vai trò dẫn dắt của những tuyển thủ giàu kinh nghiệm như Celebrity hay Artifact là cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, không biết vì lý do gì, màn trình diễn của các tuyển thủ trẻ SBTC Esports lại vô cùng thiếu ổn định về mặt tâm lý. Chỉ một pha xử lý lỗi hay bị đối phương bắt bài cũng đủ làm cho tâm lý của những tuyển thủ này bị “gãy” hoàn toàn. Liên tiếp sau đó thường sẽ là những pha xử lý thiếu chính xác về mặt kỹ năng, bị động trước những tình huống di chuyển của đối thủ hoặc là cố gắng lao vào những pha giao tranh không có cơ sở. Rõ ràng, nếu giữ nguyên line-up như hiện tại, HLV Sergh sẽ có rất nhiều điều phải làm để vực dậy con tàu mang tên SBTC Esports.
(Nguồn: game4v.com/goc-vcs-ly-giai-nguyen-nhan-that-bai-cua-sbtc-esports-825214.g4v)