Nguồn gốc của game: Khởi nguồn của đế chế Age of Empires (Phần cuối)
-
Sau Age of Empires, Ensemble tiếp tục phát triển Age of Empires 2, 3, Age of Mythology và tiếp tục gặt hái thành công. Nhưng...
Thành công của Age of Empires 2
Sau khi Rick Goodman ra đi để thực hiện giấc mơ của mình, Brian Sullivan trở lại việc thương lượng với Microsoft để phát hành Age of Empires 2 (AOE 2), còn Bruce Shelley tiếp tục nhận lãnh vai trò giám sát và tư vấn thiết kế trò chơi, thay vì trực tiếp thiết kế game như trước. Vị trí trưởng nhóm thiết kế game được giao lại cho Ian Fischer, người vừa gia nhập Ensemble khi Age of Empires 1 sắp hoàn thiện, và Mark Terrano, một lập trình viên của AoE 1.
Brian Sullivan kể lại trải nghiệm của mình với bộ đôi Ian và Mark. “Họ còn non kinh nghiệm, nên đã làm điều mà tôi cho rằng nhiều nhà thiết kế mới vào nghề đều làm là nhét mọi thứ vào thiết kế của mình, tất cả những gì hấp dẫn.”
Ian Fischer (trái) và Mark Terrano (phải)
Ban đầu, Age of Empires 2 có tính năng giao thương, chợ, một loạt tính năng tự động hóa đơn giản (chẳng hạn đặt sẵn số lượng ruộng trong cối xay), thêm các đội hình quân và nhiều thứ khác nữa. Tuy nhiên, điều này lại dẫn đến một tựa game rời rạc trong giai đoạn chơi thử. “Nó có hàng đống tính năng mới hấp dẫn, nhưng chưa tính năng nào được chứng minh và không hề liên kết với nhau,” Sullivan nhớ lại.
Stuart Moulder ví phiên bản đầu tiên của AOE 2 với một lá thư mà fan gửi cho họ về Age of Empires 1: một bức thư viết tay dài 8 trang với chữ cực kỳ khó đọc khắp cả hai mặt giấy, tràn từ lề này đến lề kia với tất cả những gì mà game thủ nọ nghĩ Age of Empires 2 nên có. “Chúng tôi đùa với nhau về bức thư đó, nhưng thật không may nó lại là cách mà chúng tôi đã thiết kế AOE 2.”
Thế là Ensemble quyết định “xé nháp làm lại.” Họ quyết định khởi đầu lại từ những tính năng của Age of Empires 1 trên phiên bản mới của engine mình tạo ra và bổ sung các tính năng mới từng chút một. Mỗi tính năng sẽ được chơi thử rồi tinh chỉnh, và nếu vẫn không hấp dẫn, nó sẽ bị bỏ hẳn khỏi game.
AOE 2 “ngày xửa ngày xưa”
Kết quả cuối cùng là một tựa game gọn gàng, không có nhiều tính năng mới nhưng lại là bước cải tiến vượt bậc so với Age of Empires 1 và có được doanh thu khổng lồ. Game có thêm đội hình quân, cho phép xây hàng loạt công trình, tìm kiếm dân làng rảnh rỗi, tạo đội, tuần tra,… giúp trải nghiệm của game thủ hấp dẫn hơn. Game thủ có thể cho quân đồn trú trong công trình, được chọn rất nhiều nền văn minh khác nhau với những đơn vị quân đặc biệt, các công trình mới như Castle, đồ họa đẹp mắt hơn…
Trò chơi bán được 2 triệu bản chỉ trong vài tháng đầu tiên, với sức sống mãnh liệt mà không mấy game có thể bằng được. Trong năm 2005 (6 năm sau ngày nó ra mắt), AOE 2 vẫn bán được 675.000 bản, nhiều hơn đại đa số những tựa game PC mới ra mắt trong thời gian này. Trong khi doanh số đem lại tiền bạc cho Ensemble và Microsoft, các fan cùng báo giới đem danh tiếng đến cho cả hai công ty bằng những lời khen ngợi nhiệt tình. Dĩ nhiên cũng có những người chê Ensemble không dám mạo hiểm với Age of Empires 2, nhưng có lẽ họ quá yêu game và muốn trò chơi hấp dẫn hơn nữa.
Age of Empires 2 đã được nâng cấp lên HD và bổ sung những nền văn minh mới.
Trong mắt của những thành viên Ensemble, thành công hiện có là chưa đủ. Game thủ luôn muốn có những trò chơi hấp dẫn hơn, thể loại RTS đang trong thời đại hoàng kim không ngừng tiến hóa, còn máy tính ngày càng mạnh mẽ. Mọi thứ thay đổi quá nhanh, đến mức Matt Pritchard (người đã viết lại hệ thống đồ họa của game trong phần 3 của bài viết) nói rằng “Bạn phải làm ra những trò chơi tốt hơn để game thủ cảm thấy ít nhất bạn vẫn đang giẫm chân tại chỗ.”
Thời đại tân kỳ
Trong vài năm sau khi Age of Empires 2 ra mắt, thể loại RTS đã có rất nhiều thay đổi bởi nhân tố từ bên trong lẫn bên ngoài. Máy tính đã có cấu hình mạnh mẽ hơn cho phép đồ họa 3D trở thành hiện thực. Các hãng làm game đều chạy theo 3D, khiến bản thân game thủ cũng tin rằng 3D là tốt hơn hẳn. Tuy nhiên, 3D khiến game RTS “teo nhỏ” và chuyển từ chiến lược vĩ mô (Strategy) sang chiến thuật vi mô (Tactic) vì card đồ họa khi đó chưa thể dựng hình hàng trăm đơn vị trong môi trường 3D. Bản thân thị trường của game PC cũng đang bị chèn ép bởi sự phổ biến của máy console và nạn crack game, khiến doanh số của cả phần cứng lẫn phần mềm đều sụt giảm.
Age of Mythology mang yếu tố thần thoại
Giữa bối cảnh này, Microsoft mua lại Ensemble vào năm 2001 và tung ra Age of Mythology trong năm 2002. Trò chơi này có nhiều tính năng mới và phần chơi đơn được lấy cảm hứng từ thần thoại Bắc Âu, Ai Cập và Hi Lạp. Trò chơi có đủ những yếu tố thời thượng, từ đồ họa 3D đem lại vẻ ngoài hiện đại và lối chơi dựa trên các anh hùng, thần linh, những sinh vật thần thoại và soundtrack “xịn” chất lượng cao – điều mà Age 1 không làm được. Tất cả những yếu tố này đã giúp nó đạt được một số thành công nhất định, và một triệu bản Age of Mythology được bán ra chỉ trong bốn tháng.
Nhưng Age of Mythology chỉ là “bản nháp” cho Age of Empires 3. Ensemble tin rằng họ cần phải đi xa hơn nữa, rời bỏ nền tảng 2D của Age 1 và 2 để đạt được thành công cần thiết. Họ vẽ ra khoản kinh phí 8 con số cho AOE 3 để đảm bảo rằng trò chơi sẽ có vẻ ngoài tuyệt đẹp, đến mức những quả đạn đại bác trong game sẽ nảy và lăn trên mặt đất sau khi rời khỏi nòng. Nó sẽ là một thành công rực rỡ nữa của Ensemble, đem lại cho họ hàng tấn đô la, vô số thư từ fan hâm mộ và những điểm số 9-10 trên các tờ báo.
Age of Empires 3 có đồ họa 3D tuyệt đẹp.
Giữa bầu không khí lạc quan đó, Tony Goodman lại có cái nhìn khác. Ông nghĩ rằng AOE 3 sẽ không thể lặp lại thành công của những người tiền nhiệm vì nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do quan trọng nhất sẽ là bối cảnh của trò chơi: thời kỳ khai thác thuộc địa của các đế quốc châu Âu không phải là một trong “bộ ba ăn khách” cổ đại, trung cổ và hiện đại. “Có hàng triệu bộ phim về võ sĩ giác đấu và hàng triệu phim về hiệp sĩ. Nhưng nếu bạn nghĩ kỹ, chẳng có mấy phim làm về thời Napoleon hay thời Nội Chiến (Mỹ),” Tony nói.
Cũng như AOE 2, Ensemble có những bước đi sai lầm trong khâu thiết kế AOE 3, từ những ý tưởng mới nhưng không phù hợp cho đến những điều hoàn toàn không thể giải quyết. Nhưng khác với AOE 2, Ensemble đã không đủ dũng cảm (và kinh phí) để làm lại mọi thứ từ đầu, nên AOE 3 được tung ra với nhiều tính năng đã bị nhận định là không phù hợp, chẳng hạn “Home City” (thật ra là “mẫu quốc”).
Theo Bruce Shelley, họ đã làm ra hàng chục phiên bản khác nhau của Home City, với mục tiêu tạo nên một lối chơi mới. Còn với Tony Goodman, tính năng này chưa từng được hoàn thiện: “Nó chỉ như một menu lớn, và dù các nhà thiết kế của chúng tôi đã rất cố gắng, nó chưa từng phù hợp với tôi.”
Home City của Tây Ban Nha trong AOE 3
Mặc cho những vấn đề trên, AOE 3 vẫn được xem là một trong những game hay nhất 2005 và bán được hơn 2 triệu bản. Nó không phải là một thất bại, nhưng cũng không phải là thành công rực rỡ mà Ensemble muốn tạo ra, và còn lâu mới có thể so sánh được với AOE 2. Minh chứng rõ ràng nhất có lẽ là việc ngày nay người ta vẫn “cày” Age of Empires 2, trong khi AOE 3 đã hoàn toàn rơi vào quên lãng.
Huyền thoại
Age of Empires 3 là tựa game Age cuối cùng mà Ensemble thực hiện. Sau khi trò chơi này phát hành, họ thực hiện nhiều dự án mới qua nhiều thể loại khác nhau, nhưng chúng đều bị hủy bỏ, bao gồm cả dự án những game Halo mà Microsoft gửi gắm rất nhiều kỳ vọng. Số phận của Ensemble được quyết định vào tháng 1/2009, sau khi Microsoft quyết định hủy dự án MMORPG Halo và đóng cửa Ensemble.
Age of Empires Online
Kết thúc của Ensemble khởi đầu cho… 5 studio mới, trong đó có Robot Entertainment của Tony Goodman, studio được giao thực hiện một tựa game Age of Empires thứ 4. Mọt game không nói về Age of Empires 4 đang được phát triển, mà nói về Age of Empires Online – một tựa MMORTS có vòng đời khá ngắn ngủi: ra mắt 8/2011, ngừng phát triển vào 1/2013 và bị đóng cửa vào 7/2014. Goodman cho rằng thất bại của AOE Online là vì thời điểm đó, thể loại RTS đã thoái trào.
Nhưng bây giờ, chúng ta lại thấy Microsoft trở lại với Age of Empires. Hồi đầu năm nay, Age of Empires: Definitive Edition đã được ra mắt sau quá trình phát triển dưới sự giám sát của Matt Pritchard và một vài cựu binh Ensemble. Relic Entertainment, studio cực kỳ nổi tiếng trong cộng đồng RTS nhờ series Total War và Company of Heroes đang thực hiện Age of Empires 4. Lý do của những quyết định này có lẽ là do sức hút của Age of Empires 2 HD, bởi theo số liệu từ SteamSpy, vẫn có khoảng 400.000 game thủ đang chơi Đế Chế 2 bản làm lại này thường xuyên.
Age of Empires IV
Đối với đội ngũ Ensemble, sức hấp dẫn lâu dài của AOE là một điều tuyệt vời. Brian Sullivan đã có một gia đình êm ấm và cả nhà – gồm cả vợ ông – vẫn cùng nhau chơi Age of Empires 2 HD. “Nó là một tựa game hấp dẫn, dễ chơi, thú vị và lũ trẻ thích nó. Vậy đấy, 15 năm sau và chúng tôi vẫn đang chơi tựa game này hàng tuần.”
Bruce Shelley lại so sánh AOE với thể thao. “Người Mỹ đã chơi bóng chày 150 năm, và vẫn thích xem nó. Chúng tôi đã tạo nên một trò chơi có cùng sức hút có thể khiến người ta vui vẻ trong suốt cuộc đời. Họ không cần một tựa game nào khác.”
(Nguồn: https://motgame.vn/nguon-goc-cua-game-khoi-nguon-cua-de-che-age-empires-phan-cuoi.game)