Nguồn gốc của game: Khởi nguồn của đế chế Age of Empires (Phần 3)
-
Sau khi tìm được nhà phát hành, đội ngũ Ensemble bắt tay vào những công đoạn cuối cùng trước khi Age of Empires ra mắt và hồi hộp chờ đợi kết quả.
Trong quá trình phát triển Age of Empires, Tony Goodman khuyến khích tất cả mọi người xem nó là “đứa con” của mình, và phải biết về mọi khía cạnh của trò chơi. Họ được yêu cầu phải chơi game mỗi ngày, bởi đó là điều mà Tony xem là cần thiết sau khi đã nghiên cứu ngành công nghiệp game từ trước khi Ensemble bắt tay vào thực hiện Age of Empires.
“Tôi đã đi khắp nơi và xem các công ty game khác, và đã thấy những dự án mà một người làm driver, người khác làm đồ họa,” Tony cho biết. “Tôi nhớ mình nói chuyện với một artist và anh ta kiểu như ‘ừ, đây là cái bánh xe. Nó sẽ được gắn vào cái xe đẩy’. Tôi hỏi ‘vậy nó làm được gì?’ và anh ta trả lời ‘Sao tôi biết? Tôi chỉ là artist thôi.’”
Tony không thể chấp nhận ý tưởng rằng mỗi người chỉ là một phần trong cỗ máy, và ông muốn tất cả mọi người phải tham gia vào việc test game hàng ngày. Những buổi test này được theo dõi bởi đội ngũ thiết kế game và sau đó họ sẽ tập trung để bàn về tiến độ của trò chơi, đưa ra những ý tưởng cho thay đổi mới hay tính năng mới. Rất nhiều lúc một lập trình viên sẽ đưa ra một đề nghị mà chưa ai nhận ra là có thể làm được, chẳng hạn khi Matt Pritchard, người chịu trách nhiệm viết lại engine đồ họa để cải thiện hiệu năng của trò chơi nói rằng anh có thể làm cho game thủ chia sẻ tầm nhìn với các đồng minh của mình.
Kỳ quan Tượng vua Leonidas
Một trong những ý tưởng trung tâm của trò chơi – các kỳ quan (Wonder) cũng là kết quả của một trong những cuộc họp như vậy. Nó trở thành một cách để những người chơi có trình độ thấp hơn chiến thắng, và cũng để lộ một số khiếm khuyết quan trọng trong phần AI vào những tháng cuối cùng của quá trình phát triển game.
Cụ thể, Moulder (bạn còn nhớ ông ấy không? Người đến từ Microsoft) rất dở ở phần chơi mạng, nhưng lại rất thích chơi đơn với AI và nhận ra rằng mình có thể đánh bại chúng dễ dàng. Phong cách chơi của ông ấy là tìm một khu vực nhiều tài nguyên, bao nó lại bằng tường và bảo vệ bức tường đó, lên đời thật nhanh để xây kỳ quan, và đây là chiến thuật hoàn hảo để đánh bại AI. Điều này chưa được nhận ra vì trước đó khi chơi thử, các nhân viên Ensemble chỉ chơi multiplayer và chả ai thèm bận tâm đến tường, bởi người ta có thể vượt qua tường mà không mất nhiều công sức.
Tường là vô dụng trong những trận multiplayer
Bruce Shelley, người đã góp công lớn vào việc định hình lối chơi của Age of Empires nói rằng tiến trình làm game của Ensemble đã thành công. Họ đưa ra ý tưởng, thiết kế bằng cách trực tiếp trải nghiệm trò chơi, và không ngừng hoàn thiện nó dựa trên những gì họ cảm nhận được.
Trở thành Best Seller
Age of Empires chính thức ra mắt vào tháng 10/1997. Microsoft đặt ra chỉ tiêu bán được 430.000 bản trong suốt vòng đời của trò chơi, gấp 4 lần so với “tham vọng” ban đầu của Ensemble Studios.
“Tôi nhớ là gần ngày phát hành game, mình từng nói với một nhân viên rằng ‘ừ, nếu chúng ta có thể bán được 1 triệu bản, tôi sẽ mua cho cậu một chiếc Ferrari,” – Tony kể lại. “Vì chúng tôi nghĩ rằng nếu mà bán được 100.000 bản, chúng tôi đã tìm ra cách để kiếm tiền.”
Không rõ Tony có thực hiện lời hứa của mình hay không.
Và 1 triệu bản đầu tiên “bay hơi” nhanh hơn những gì bất kỳ ai trong Microsoft hay Ensemble có thể mơ được. Moulder kể lại rằng khi đó, cả hai công ty đều cho rằng khả năng thành công là rất thấp – rằng Age of Empires, tựa game RTS kỳ dị đến từ một công ty già cỗi như Microsoft sẽ bị nghiền nát bởi những tựa RTS sci-fi nóng hổi như Dark Reign hay Total Annihilation. Nhưng sau đó, Dark Reign chìm như đá tảng, còn Total Annihilation có được thành công, nhưng Age of Empires vẫn đánh bại TA nhờ lối chơi dễ tiếp cận và đồ họa đẹp mắt hơn hẳn.
“Chúng tôi đã đưa rất nhiều người trẻ đến với lịch sử. Chúng tôi nhận được nhiều lá thư từ các bậc bố mẹ nói rằng trò chơi đã khiến con cái họ hứng thú với lịch sử như thế nào. Đây là một trò chơi quan trọng với rất nhiều người của thế hệ đó,” – Bruce tiết lộ.
Bruce Shelley: “có người nói rằng game sẽ thành công khi chỉ mới thấy screenshot.”
Vào thời điểm đó, báo giới “phát cuồng” vì Age of Empires. Trong trí nhớ của mình, Bruce kể lại rằng một reviewer đã gọi trò chơi là “ma túy số” khi không thể bứt ra khỏi trò chơi trong khi thời gian trôi qua. Một phóng viên người Anh nói rằng mình biết trò chơi sẽ cực kỳ thành công chỉ bằng một screenshot. Đối với Bruce, ông cho rằng trò chơi đã mở đường cho thế giới thấy rằng đề tài lịch sử hoàn toàn có thể ăn khách, chứ không chỉ là fantasy (WarCraft) và viễn tưởng (Total Annihilation).
Tóm lại, thiết kế game hấp dẫn và thể loại RTS đang rất ăn khách vào thời điểm đó đã biến Age of Empires thành một tựa game cực kỳ thành công. Nó vượt mốc 3 triệu bản vào đầu năm 2000, và tạo nên danh tiếng cho cả Ensemble lẫn Microsoft. Có một thị trường rất lớn cho những tựa game đi theo dòng lịch sử đang chờ đợi được khai thác sau thành công này.
Age of Empires 2
Điều gì phải đến sẽ đến: họ muốn có Age of Empires 2. Tất cả nhân viên Ensemble tập trung vào phòng họp và bàn về kế hoạch cho phiên bản mới. Dĩ nhiên đó sẽ là thời Trung Cổ – một đề tài hết sức hấp dẫn trong mắt công chúng, và đã được khai thác trong rất nhiều trò chơi khác nhau, chỉ trừ RTS. “Hiệp sĩ và lâu đài rõ ràng là bước đi kế tiếp. Có quá nhiều thứ hấp dẫn xảy ra với chúng. Và đó là một thời điểm hoàn hảo để làm thành game.”
Hiệp sĩ và lâu đài!
Nhưng cũng chính vào lúc này, hai anh em Tony và Rick Goodman – những người lập nên Ensemble Studios có sự khác biệt trong ý tưởng. Rick muốn thử một điều gì đó hoành tráng hơn với ý tưởng về Civilization trong thời gian thực, bao quát toàn bộ lịch sử loài người thay vì chỉ một phần nhỏ trong số đó. Thêm vào đó, Ensemble đặt mục tiêu hoàn thành Age of Empires 2 chỉ trong một năm , điều không thích hợp với cách làm việc của Rick. Vì thế, ông rời khỏi Ensemble Studios và thành lập Stainless Steel Studios để phát triển Empire Earth.
Trong khi đó, những người ở lại Ensemble bắt tay vào việc thực hiện Age of Empires 2 theo tham vọng của mình: một tựa game hấp dẫn hơn, nhưng chỉ làm trong một năm thay vì gần 3 năm như phiên bản đầu tiên. Họ tin rằng trên đà thành công của mình, với engine đã hoàn thiện cùng kinh nghiệm sẵn có, đó không phải là vấn đề.
(Nguồn: https://motgame.vn/nguon-goc-cua-game-khoi-nguon-cua-de-che-age-empires-phan-3.game)