Age of Empires 4 và những thăng trầm của dòng AoE
-
Vậy là sau 8 năm trời bặt vô âm tín, Age of Empires 4 cũng đã được chính thức công bố vào ngày hôm nay, làm sống lại một tựa game chiến thuật huyền thoại.
Age of Empires hay Đế chế có lẽ là một trong những tựa game nổi tiếng và được nhiều game thủ Việt chơi nhất, nhưng nếu tính từ lúc bản mở rộng cuối cùng của bản III tới nay đã là hơn 8 năm trời. Ensemble Studios cũng bị giải thể và lời hứa của Microsoft về phần 4 của AoE cứ dài ra vô tận.
Nhưng mọi chuyện đã hoàn toàn đổi khác khi vào ngày hôm nay, Trailer Age of Empires 4 đã được chính thức công bố và sẽ được phát hành độc quyền cho Window 10. Người kế thừa di sản của Ensemble Studios sẽ là Relic Entertainmen – đội ngũ đứng sau những cái tên cực kỳ nổi tiếng của dòng game chiến thuật như: Company of Heroes và Warhammer 40K.
Ngoài những thông tin cơ bản này thì Microsoft không hé thêm bất cứ lời nào nữa, nhưng đó cũng là một lời xác nhận tuyệt vời cho những ai là fan của dòng game Age of Empires, khi sự chờ đợi mòn mỏi của họ cuối cùng cũng được đền đáp. Nhân dịp Age of Empires 4 chuẩn bị ra mắt, hãy cùng Mọt Game điểm lại một chút về lịch sử của dòng game huyền thoại này.
Phiên bản đầu tiên của Age of Empires ra đời vào năm 1997, từ đó đến nay dòng game này đã trải qua tổng cộng 3 phiên bản chính và một phần phụ có tên là Age of Mythology. Ensemble Studios là cha đẻ cũng như người đứng sau toàn bộ seri Age of Empires, với sự thành công của tựa game này bản thân họ cũng từ một Studio độc lập được Microsoft mua lại vào năm 2001.
Phiên bản Age of Empires đầu tiên cũng có một bản mở rộng là Age of Empires: The Rise of Rome, ở Việt Nam chúng ta thì nó cũng là tựa game được biết tới rộng rãi với cái tên Đế chế và bản 1 thì được gọi “thân mật” là Mũ đỏ và Mũ xanh (phỏng theo icon của game). Ở thời điểm ra mắt thì Age of Empires đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt từ game thủ, khi nó mang lại một lối chơi hoàn toàn mới lạ với rất nhiều nền văn minh khác nhau, cũng như đồ họa 2D tuyệt đẹp nếu so với các game cùng thời.
Age of Empires lấy ý tưởng rất nhiều từ dòng Civilization và phong cách chơi của Warcraft II, nó được đánh giá cao khi lấy các nên văn minh có thật trong lịch sử làm các phe phái riêng. Số lượng quân lính lớn và phong phú, lối chơi dễ hiểu và đơn giản đã giúp AoE dễ dàng chiếm được thiện cảm của phần lớn game thủ. Việt Nam và Trung Quốc có lẽ là nơi yêu thích AoE nhất, khi mà đã gần 20 năm trôi qua nó vẫn là tựa game được rất đông game thủ lựa chọn để giải trí, cũng như một hệ thống giải đấu đồ sộ hàng năm.
Nối tiếp thành công vang dội của phần 1, Age of Empires II ra đời sau đó ít lâu vào năm 1999. Vẫn giữ lại những giá trị cốt lõi của phần 1, nhưng AoE II có sự nâng cấp đáng kể về mặt hình ảnh, lối chơi cũng như rất nhiều tiện ích hỗ trợ cho người chơi. Bối cảnh lịch sử của game cũng thay đổi từ La Mã cổ đại lên các nền văn minh Trung Cổ, cũng như thêm rất nhiều phe phái khác từ Châu Mỹ như Inca hay Maya vào game. Phần 2 của AoE cũng giới thiệu thêm những loại lính độc quyền của từng nền văn minh, từ đó tạo nên nét độc đáo riêng cho từng phe phái.
Age of Empires II được chào đón còn hơn cả phần 1, khi đạt doanh số khủng khiếp là hơn 2 triệu bản chỉ trong 3 tháng sau khi ra mắt. Nó cũng mở đường cho rất nhiều game chiến thuật lấy bối cảnh lịch sử sau này như Empire Earth hay Cossacks. Age of Empires II cũng có một bản mở rộng là The Conquerors, nhưng đáng tiếc là phần mở rộng này không đạt được nhiều thành công như bản gốc.
Tựa game này đạt được rất nhiều thành công và nổi bật như vậy, nhưng khá khó hiểu là độ phủ sóng của Age of Empires II lại không bằng phần 1. Một phần cũng vì sau đó ít lâu, Warcraft III cũng ra đời và hoàn toàn chiếm lĩnh lấy thể loại game chiến thuật. Ở Việt Nam thì Age of Empires II cũng không được chào đón cho lắm, khi mọi người đều yêu thích Age of Empires hơn.
Phần 3 của dòng game bị trì hoãn khá lâu khi đến tận năm 2005 mới được ra mắt, chủ yếu vì Ensemble Studios còn phát triển một phần phụ khác là Age of Mythology. Age of Empires III lấy bối cảnh vào thời điểm xâm chiếm thuộc địa của các quốc gia châu Âu vào thế kỷ 19, cũng như thay đổi rất nhiều về lối chơi khi chia ra thành 2 phần quân sự và kinh tế riêng biệt.
Khác với những tựa game trước, Age of Empires III chỉ có 8 phe phái chính và tập trung ở Châu Âu chứ không trải dài ra như trước. Age of Empires III đưa thêm các yếu tố mới là nhà chính (Town Center) và những dân làng cho sẵn từ trước chứ không thể mua thêm. Lối chơi của AoE III chia ra làm 2 phần kinh tế cùng quân sự, chứ không gộp chung như 2 phần trước.
Mặc dù thay đổi lối chơi rất nhiều, nhưng Age of Empires III lại nhận được rất nhiều lời khen ngợi tích cực, đặc biệt là về mặt hình ảnh. Age of Empires III đươc bình chọn là game chiến thuật đẹp nhất năm 2005 bởi Gamespy, trong khi hầu hết các trang đánh giá game đều cho Age of Empires III khoảng 8/10 điểm.
Tuy vậy, seri Age of Empires bắt đầu đi vào thoái trào sau khi Age of Empires III không đạt được thành công về doanh thu như mong muốn. Vào năm 2008, có nhiều tin đồn nói rằng Ensemble Studios sẽ đóng cửa sau khi hoàn thành Halo Wars. Đến năm 2009, Ensemble Studios chính thức đóng cửa và người đứng đầu của họ Tony Goodman tách ra và thành lập một Studios riêng có tên là Robot Entertainment, lôi kéo rất nhiều nhân sự cũ sang vị trí mới.
Tựa game Age of Empires vẫn được phát triển tiếp khi cho ra mắt phần chơi Age of Empires online, nhưng số phận của nó cũng không khá khẩm hơn khi bị tạm hoãn vào tháng 1 năm 2014. Sau đó ít lâu, Kevin Perry – người phát triển của game cũng thông báo dòng Age of Empires chính thực bị tạm dừng vô thời hạn.
Từ đó về sau, Microsoft coi như hoàn toàn bỏ quên Age of Empires, không có thêm bất cứ phần cập nhật cũng như bản mở rộng nào nữa. Cộng đồng Age of Empires từ từ lụi tàn dần và chìm trong quên lãng, chỉ trừ một vài khu vực hiếm hoi còn duy trì như Trung Quốc và Việt Nam, nhưng nó cũng chỉ là vài đốm sáng nhỏ nhoi của dòng game huyền thoại này.
Age of Empires chỉ thực sự sống lại với bản nâng cấp HD của Age of Empires II HD ra mắt vào năm 2013, điều đáng nói ở đây là bản HD này vốn cũng chẳng phải là sản phẩm chính thức của Microsoft, mà nó vốn là một bản mod ra đời cách đó… hơn 10 năm. Tất nhiên cũng phải nói tốt cho Microsoft 1 tý là họ đã cho hẳn một đội ngũ chuyên nghiệp tiếp quản và phát hành Age of Empires II HD, cũng như tung ra các bản cập nhật tiếp theo đó. Thừa thắng xông lên, bản HD cho Age of Empires cũng được thông báo gần đây ở Gamescom 2017.
Tính tới thời điểm hiện tại thì quyết định “nối lại tình xưa” với Age of Empires có lẽ là cực kỳ đúng đắn của Microsoft, khi họ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người hâm mộ. Do đó thể hiểu mọi người đã bất ngờ và vui sướng đến thế nào khi Age of Empires 4 được thông báo, chắc chắn đó là điều không thể tuyệt vời hơn cho những fan gạo cội trung thành của dòng game này.
(Nguồn: motgame.vn/age-of-empires-iv-va-nhung-thang-tram-cua-dong-aoe.game)