CEO Axie Infinity: "Nói tôi là tỉ phú đô la không chính xác"
-
CEO Axie Infinity: "Nói tôi là tỉ phú đô la không chính xác"
CEO Nguyễn Thành Trung cho biết, việc gọi anh là tỉ phú USD hoàn toàn không chính xác, bởi vốn hóa thị trường của token AXS khác biệt hoàn toàn với vốn hóa của Sky Mavis.
Axie Infinity là tựa game do Sky Mavis - một studio game có trụ sở đặt tại TP.HCM phát triển với sự tham gia của nhiều người Việt. Startup này gây ấn tượng mạnh bởi tổng giá trị vốn hóa của AXS (token tiện ích của tựa game này) đã cán mốc 2,4 tỷ USD. Axie Infinity thu hút được một đông đảo lượng người chơi đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Xét về mặt giá trị, những gì mà Axie Infinity có được tiếp nối và vượt sự thành công của Flappy Bird. VietNamNetđã có buổi trao đổi với nhà sáng lập của Axie Infinity.
Cơ duyên nào đã dẫn tới sự ra đời của Axie Infinity? Nói cách khác thì ý tưởng về một tựa game blockchain như Axie Infinity đến với Trung như thế nào?
Nguyễn Thành Trung: Tôi từng không thích, thậm chí còn ghét Blockchain.
Ở thời điểm trước khi Axie Infinity ra đời, mọi người hay nhắc về giá Bitcoin và các đợt ICO. Trong mắt tôi khi đó, không phải ai cũng cần vốn để phát triển dự án blockchain một cách chân chính. Ngược lại, có những người coi chính các đợt ICO như một sản phẩm. Điều này đi ngược lại với đạo đức nghề nghiệp của tôi, một kỹ sư công nghệ.
Một ngày đẹp trời, tôi rất tò mò khi biết tới một tựa game trên nền tảng blockchain. Khi chơi thử, tôi nhận ra rằng hóa ra Blockchain không xấu như những gì mình đã tưởng tượng, chẳng qua là cách vận dụng công nghệ đó thế nào.
Từ ý nghĩ đó, tôi đã quyết định làm thử và Axie Infinity ban đầu ra đời. Khi game dần có được những phản ứng tích cực của cộng đồng, tôi đã quyết định nghỉ việc để toàn tâm toàn sức cho dự án.
Axie Infinity là kết quả của tôi và 4 nhà đồng sáng lập, trong đó có Tú Đoàn - một nhà đồng sáng lập khác của Lozi. Ngoài ra còn có Aleksander Larsen từ Na Uy, Jeffrey Zirlin từ Mỹ và Andy Hồ là đồng nghiệp với tôi ở công ty cũ.
Tôi và 2 nhà đồng sáng lập nước ngoài gặp nhau qua tựa game blockchain từng chơi chung. Một thời gian sau đó, chúng tôi không được gặp mặt trực tiếp và làm việc qua kênh online. Tuy vậy, đó là xuất phát điểm của Axie Infinity ở giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018.
Khi bắt đầu dự án, Trung có nghĩ Axie Infinity sẽ phát triển đến mức độ tỷ USD như bây giờ?
Khi bắt đầu phát triển Axie Infinity, chúng tôi không nghĩ quá nhiều. Ở thời điểm đó, chúng tôi chỉ muốn làm một cái gì đó theo tinh thần khởi nghiệp. Đứng ở góc độ là những người mê game, chúng tôi muốn tạo ra một sự thay đổi nào đó với ngành công nghiệp này.
Trên con đường phát triển của dự án, cả nhóm có nhiều góc nhìn và thông tin hơn. Khi đó, những mong muốn và mục đích phát triển của dự án mới ngày một rõ ràng, từ đó hình thành nên các kế hoạch, chiến lược để đem lại kết quả.
Sự tăng trưởng của Axie Infinity trong thời gian gần đây đã vượt qua sự mong đợi của nhóm một chút.
Mô hình tăng trưởng của các doanh nghiệp thông thường có dạng tuyến tính. Với những công ty công nghệ thì khác bởi sự xuất hiện của những điểm kỳ dị. Đó là lúc tốc độ tăng trưởng của công ty đó tăng vọt lên rất nhanh. Vậy đâu là điểm kỳ dị của Axie Infinity?
Có nhiều điểm kỳ dị trên chặng đường của Axie Infinity. Trong đó, việc chuyển hết cơ sở hạ tầng của game lên Ronin - một blockchain do nhóm tự phát triển là một dấu mốc quan trọng. Đây là tiền đề cho sự phát triển của Axie Infinity sau này.
Việc tỷ phú Mark Cuban đầu tư vào Axie Infinity cũng là một yếu tố tác động. Tuy nhiên, trong vòng đầu tư đó không chỉ có Mark Cuban mà còn nhiều cá nhân và tổ chức đầu tư uy tín cũng giúp đỡ cho Axie Infinity rất nhiều, họ có tiếng tăm trên thế giới nhưng có lẽ không được biết đến nhiều ở Việt Nam.
Các startup thường tập trung phát triển thị trường nội địa trước khi tính tới việc ra thế giới. Thế nhưng Axie Infinity thì có vẻ lại ngược lại. Vì sao lại như vậy?
Ở thời điểm bắt đầu của dự án, số lượng người chơi blockchain game không nhiều. Tổng lượng người chơi game blockchain trên thế giới lúc đó chắc chỉ khoảng tầm 6.000-7.000 người. Con số đó quá ít để có thể chia nhỏ theo từng quốc gia, khu vực.
Do vậy, Axie Infinity đã hướng tới thị trường quốc tế để tạo dựng nên một điều gì đó lớn hơn. Tập người dùng lớn cũng mang tới nguồn thông tin phản hồi để dự án có thể cải thiện và tiếp tục phát triển.
Nhìn từ góc độ chủ quan, thị trường quốc tế dễ làm hơn trong ngành blockchain, cả về sự đón nhận của người chơi lẫn sự hỗ trợ của luật pháp cũng như hệ sinh thái. Ngoài ra, những người chơi đầu tiên cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc đặt nền móng cho cả một cộng đồng sau này. Đó là lý do Axie Infinity không chọn phát triển ở thị trường Việt Nam trong giai đoạn đầu.
Trung có thể bật mí về đội ngũ nhân sự phát triển Axie Infinity được không? Sky Mavis có bao nhiêu thành viên và người Việt trong đó chiếm tỷ lệ như thế nào?
Hiện Sky Mavis có khoảng 40 nhân viên với 80% là người Việt. 3 trong tổng số 5 founder của dự án cũng là người Việt.
Xuất phát điểm từ Việt Nam, vậy nên việc công ty có nhiều người Việt Nam là một lợi thế bởi nó đem đến sự tương đồng về văn hóa. Tuy nhiên, trong tương lai Axie Infinity sẽ sử dụng lao động ngoại nhiều hơn ở một số vị trí liên quan nhiều đến sáng tạo, trong khi người Việt có điểm nổi trội về kỹ thuật.
Trong suy nghĩ của cả nhóm, chúng tôi nghĩ mình là một công ty quốc tế nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi rất mừng khi Axie Infinity được mọi người biết đến như một công ty công nghệ Việt. Tôi muốn có thể ghi tên người Việt trên bản đồ thế giới.
Người Việt rất giỏi ở những công việc cần tới sự cẩn thận, tỉ mỉ và có tiềm năng rất lớn về lĩnh vực công nghệ. Chúng ta chỉ thiếu một chút về góc nhìn bài toán cũng như tư duy sản phẩm. Hi vọng Axie Infinity sẽ góp phần cải thiện điều đó bằng việc phát triển đội ngũ nhân sự sáng tạo trong nước, song song với việc tìm kiếm và tuyển dụng ở thị trường nước ngoài.
Trung nghĩ gì khi có người nhìn vào giá trị vốn hóa của AXS và cho rằng bạn là tỷ phú USD? Tài sản của Trung có thực sự nhiều như vậy?
Nhiều thông tin chia sẻ về Axie Infinity và cả cá nhân tôi chưa được chuẩn xác cho lắm. Thế nên tôi cũng đã cố gắng giải thích lại để mọi người hiểu sao cho đúng về vấn đề này.
Việc cho rằng tôi là tỷ phú USD là không chính xác bởi vốn hóa thị trường của token AXS khác biệt hoàn toàn với vốn hóa của Sky Mavis. Công ty có sở hữu một phần lượng AXS nhưng số token này hiện đang bị khóa.
Đội ngũ phát triển Axie Infinity hiện có tổng cộng 21% tổng nguồn cung token AXS. Trong đó, công ty nắm giữ 17%, 4% token AXS còn lại được sử dụng làm phần thưởng cho đội ngũ phát triển, cũng giống như ESOP trong cổ phần vậy.
Với tổng giá trị vốn hóa 2,4 tỷ USD, lượng token của cả công ty và đội ngũ phát triển nắm giữ hiện chỉ có giá trị khoảng 500 triệu USD. Lượng token AXS này sẽ được mở khóa dần theo thời gian để đảm bảo sự gắn bó của công ty và mọi người đối với dự án.
Tuy vậy, để nói cho đúng, con số này chỉ là giá trị lượng token mà team đang nắm giữ chứ không phản ánh hết giá trị của Sky Mavis. Ngoài Axie Infinity, Sky Mavis còn tự hào về nguồn tài nguyên con người, nghiên cứu và cả các sản phẩm khác nữa...
Nhiều người cũng chúc mừng và nghĩ rằng tôi là người đóng góp và sở hữu phần lớn Axie Infinity. Điều đó không đúng. Nếu không có đội ngũ những người đồng hành thì Axie Infinity sẽ không thể gây dựng được như bây giờ. Công sức và sự đóng góp này tất nhiên có sự tương ứng với mức độ sở hữu của mọi người trong công ty.
Việc nắm giữ cổ phần của cá nhân tôi chính là sở hữu cổ phần của một doanh nghiệp tư nhân. Con đường phải đi của Axie Infinity còn rất dài. Khi nào dự án tới thời điểm exit (thoái vốn) như IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) thì giá trị lượng cổ phần đó mới thực sự có ý nghĩa.
Với những thành quả như hiện nay, dự định của bản thân Trung là gì? Bạn sẽ hướng tới mục tiêu trở thành một tỷ phú công nghệ hay nhắm tới một cái đích nào đó khác?
Về mặt cá nhân, mục tiêu hiện tại của tôi là làm sao để có thể nuôi dạy con cho tốt, chỉ những điều bình thường như vậy thôi.
Tỷ phú USD hay không cũng chỉ là một con số. Việc mọi người nói quá nhiều về điều đó khiến tôi cũng phải suy nghĩ. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình sẽ không đuổi theo những mục tiêu về mặt con số.
So với nhu cầu bản thân, kể cả nhu cầu đó có tăng tiến thì đến một lúc nào đó, điều này cũng không đòi hỏi việc phải có quá nhiều tiền. Tiền chỉ là công cụ để tạo ra những thứ tốt đẹp hơn, để thỏa mãn mong muốn của bản thân tôi là làm một điều gì đó nhằm giúp ích cho mọi người và xã hội.
Đó là suy nghĩ của tôi từ trước kia và hiện tại cũng vẫn như vậy. Chỉ có điều, hiện tại tôi cũng nhận thấy những áp lực về mặt trách nhiệm lớn hơn trước đây nhiều.
(Nguồn : https://vietnamnet.vn/vn/cong-...) -
@trungle Lấy avatar đâu xinh gái quá :))