Có nên loại bỏ thể thức nhánh thắng - thua trong các giải đấu AoE?
-
Bị chê trách quá nhiều, liệu đã đến lúc loại bỏ thể thức "nhánh thắng - nhánh thua" ra khỏi các giải đấu AoE?
Một giải đấu hấp dẫn là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố, từ danh tiếng của những nhân tố tham dự, cơ cấu giải thưởng, tinh thần chiến đấu của người chơi, nội dung tranh tài,... và tất nhiên là không thể thiếu được thể thức thi đấu - điều làm nên tính cạnh tranh.
Trong suốt hai thập kỷ hình thành và phát triển, cộng đồng AoE đã xây dựng nên các hệ thống giải đấu với những thể thức thi đấu truyền thống nhưng cũng rất điển hình, có thể kể đến như: vòng tròn tính điểm (quần chiến), vòng bảng, vòng loại trực tiếp,... Cùng với sự phát triển của thể thao điện tử, một hình thức thi đấu mang tên "nhánh thắng - nhánh thua" cũng được áp dụng vào một số giải đấu AoE trong vài năm qua. Dĩ nhiên mỗi hình thức đều có những ưu, nhược điểm riêng. Bản thân "nhánh thắng - nhánh thua" cũng không ngoại lệ. Song cho đến Hà Nội Open 10, rất nhiều ý kiến tranh cãi đã nổ ra xoay quanh đề tài: Liệu có nên bỏ hẳn hình thức thi đấu kiểu này ra khỏi các hệ thống giải đấu AoE hay không?
Sơ đồ thi đấu vòng loại 2vs2 Random bị khán giả cho là rườm rà và rối mắt
Trước tiên, cần phải hiểu "nhánh thắng - nhánh thua" là gì. Thể thức này có tên gốc Tiếng Anh là Double-Elimination (loại kép) là thể thức thi đấu tại vòng Knock-out, trong đó một đội chỉ chính thức bị loại khi để thua hai trận, thay vì một trận như thể thức Single-Elimination (loại trực tiếp). Một đội bất kì sau khi thất bại trận đấu đầu tiên sẽ bị đẩy xuống nhánh thua, nơi họ sẽ phải gặp một đội cũng đã để thua để tranh giành cơ hội ở lại với giải đấu. Thể thức này đã được áp dụng từ nhiều năm nay trong các giải đấu eSports, đặc biệt là The International của Dota 2.
Như vậy, từ định nghĩa "nhánh thắng - nhánh thua", chúng ta rất dễ nhận ra điểm ưu việt của thể thức này. Đó chính là việc các đội tại vòng loại có cơ hội để "sửa sai". Về mặt lý thuyết, với một trò chơi nhiều may rủi như Đế chế, thể thức này sẽ giúp cho đảm bảo tính cân bằng cho game, tránh việc một đội mạnh bị loại tức tưởi chỉ vì không được ủng hộ bởi quân bài. Bên cạnh đó, trong thời đại mà các game thủ trở thành streamer trên nền tảng Facebook Gaming, việc tăng số lượng các trận đấu cho một giải đấu cũng sẽ có lợi rất lớn cho bản thân các game thủ tham gia. Đứng ở góc độ khán giả, không ít người cũng thích được theo dõi một giải đấu dài hơi.
Hà Nội Open 9 với thể thức nhánh thắng - thua vẫn không ngăn được Sparta vô địch
Tuy nhiên chính thể thức này cũng đem đến khá nhiều bất cập. Trên thực tế, chính hình thức loại trực tiếp mới tạo nên sức hấp dẫn cho các giải đấu AoE từ xưa đến nay. Vì không có cơ hội sửa sai nên các giải đấu luôn đòi hỏi game thủ tập trung với tinh thần cao nhất. Bên cạnh đó, yếu tố may mắn luôn khiến cho các giải đấu tăng thêm tính khó lường. Không ít lần khán giả được chứng kiến những game thủ thuộc top sau đánh bại những người mạnh nhất để lên ngôi vô địch. Tất nhiên bản thân sự may rủi cũng đem đến nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau, có người vui sướng cũng có người phẫn nộ. Song câu chuyện may rủi vốn đã được cộng đồng AoE ngầm thừa nhận với nhau từ rất lâu rồi. Trong khi đó, thể thức "nhánh thắng - nhánh thua" ở những giải đấu đã qua đều đem đến một kịch bản quen thuộc: đội mạnh hơn tất thắng. Nhưng đó cũng chẳng phải là điều quan trọng nhất, cái chính là thể thức này khiến cho các giải đấu trở nên dài một cách "lê thê". Thay vì thi đấu theo kiểu lượt đi và về thì những trận đấu nhánh thắng - thua lại đem đến cảm xúc khác biệt cho khán giả lẫn người chơi. Từ đó, cách nhập cuộc và tâm lý thi đấu cũng thay đổi. Đôi khi điều đó làm giảm sức hấp dẫn của các trận đấu loại trực tiếp đi rất nhiều.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà một số giải đấu Esports lớn thời gian gần đây đã bỏ đi thể thức "nhánh thắng - nhánh thua". Có lẽ các đơn vị chủ quản cũng nên có những sự đánh giá để điều chỉnh thể thức cho phù hợp với các giải đấu trong thời gian sắp tới.
(gametv.vn./aoe/co-nen-loai-bo-the-thuc-nhanh-thang-thua-trong-cac-giai-dau-aoe-p28978/)