Steam và Epic Games - cuộc chiến giữa giá trị của game truyền thống và game NFT
-
Cuộc chiến này cũng đang thu hút được rất nhiều sự chú ý của ngành công nghiệp game trên toàn thế giới.
Phải thừa nhận một thực tế rằng, các tựa game NFT đang tạo ra vô số những mâu thuẫn trong ngành công nghiệp game thế giới vào lúc này. Thực chất, ban đầu, game NFT vẫn được coi là một thứ gì đó tương đối xa xăm, chưa thật sự đủ lớn mạnh và tạo thành xu thế để tất cả quan tâm. Thế nhưng theo thời gian, vì những ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như nhiều lý do khách quan khác, các tựa game NFT giờ đây lại đang trở nên bùng nổ hơn bao giờ hết nhất là về mặt số lượng. Và điều này cũng phần nào kéo theo sự quan tâm của không ít những ông lớn trong ngành mà Ubisoft hay Tencent nổi bật nhất.
Thế nhưng, điều này cũng làm nảy sinh ra không ít những mâu thuẫn của ngành game thế giới. Và mọi thứ có thể thấy rõ qua cuộc chiến giữa Steam và Epic Games. Xứng đáng là "kỳ phùng" địch thủ của nhau, Epic Games và Steam vẫn luôn mang tới những sắc thái đối lập. Theo đó, nếu như Valve (chủ của Steam) đã quyết định cấm cửa toàn bộ những tựa game có xuất hiện yếu tố blockchain được phép bày bán trên sạp hàng của mình thì Epic lại sẵn sàng thu nhận tất cả. Điều này cũng tượng trưng cho hai luồng ý kiến chủ đạo của các game thủ về xu hướng mới này vậy. Các game thủ truyền thống thì cho rằng NFT ở thời điểm hiện tại chủ yếu là một hình thức đầu tư và làm mất đi các giá trị truyền thống vốn có của ngành công nghiệp game, trong khi bên đối diện lại khẳng định, đó chính là xu thế tất yếu của mọi tựa game trong tương lai.
Tất nhiên, nếu xét về độ phủ sóng, Steam vẫn được đánh giá cao hơn so với Epic Games và động thái của nền tảng này đã gây ra tổn hại không nhỏ tới nhiều studio. Điển hình như My Neighbor Alice - tựa game từng dự kiến sẽ ra mắt vào quý 1/2022 trên Steam đã phải hủy bỏ kế hoạch phát hành trên nền tảng này. Cay đắng hơn, một số tựa game NFT đã xuất hiện trước đó trên Steam cũng bị xóa một cách không thương tiếc.
Trong khi đó, Epic Games cho biết họ vẫn mở cửa cho các trò chơi hỗ trợ tiền mã hóa hoặc tài sản dựa trên blockchain trên cửa hàng trò chơi của mình. Tuy nhiên, có một điểm khó là các studio sẽ không thể sử dụng hệ thống thanh toán của Epic cho các giao dịch tiền mã hóa của mình. Điều này cũng gây ra không ít trở ngại cho nhiều tựa game. Nhưng dù sao, ít ra cánh cửa từ Epic Games cũng vẫn đang mở với các tựa game NFT chứ không đóng sầm như Steam.
Và nếu dựa theo ý kiến của số đông cộng đồng game thủ thì sự quyết liệt của Steam lại đang rất được ghi nhận, khi mà nó hợp với tâm lý chung. Nhiều người cho rằng đây là cách để Steam tiếp tục bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của ngành công nghiệp game thế giới. Và về cơ bản, game vẫn là để giải trí, chứ không phải để kiếm tiền như cách mà nhiều tựa game NFT đang sử dụng để thu hút người chơi.
(gamek.vn./steam-va-epic-games-cuoc-chien-giua-gia-tri-cua-game-truyen-thong-va-game-nft-20220107112903156.chn)