Niki, một nữ streamer người Mỹ, đã trở nên nổi tiếng tại Việt Nam sau khi được một fanpage lớn trong nước chia sẻ video.
"Niki", tên thật là Nikita, 27 tuổi, sinh sống tại Texas (Mỹ), là một streamer không mấy nổi tiếng. Trên Twitch, cũng là nền tảng stream mà Niki hoạt động, cô chỉ có khoảng hơn 10.000 người theo dõi. Trên một số nền tảng mạng xã hội khác như Youtube, TikTok, Instagram hay Twitter; Niki cũng chỉ có khoảng vài nghìn follower.
Thế nhưng, Niki bỗng chốc trở thành một hiện tượng tại Việt Nam. Lượng người theo dõi của cô đã tăng gấp đôi, đạt gần 23.000, chỉ trong hơn 1 ngày. Livestream của Niki có những thời điểm đạt gần 3.000 người xem cùng lúc, một con số mà cô này trước đây chưa bao giờ đạt được. Phần bình luận trên livestream chiếm đa số là các fan đến từ Việt Nam.
Mọi chuyện bắt nguồn từ đoạn video đang được lan truyền trên các fanpage Facebook tại Việt Nam. Trong một buổi stream, Niki đã đóng vai một nữ tu sĩ và lắng nghe những "lời thú tội" từ người xem. Một trong số những câu chuyện đó, liên quan tới một chú cá, đã thu hút được sự quan tâm bởi sự bi hài của nó.
"Anh Da Đen", một fanpage giải trí lớn tại Việt Nam với gần 1 triệu like và 2.5 triệu lượt follow, đã đăng tải video của Niki. Đoạn video này hiện đã đạt hơn 5 triệu lượt view, 356.000 lượt reaction, 63.000 lượt comment và 17.000 lượt chia sẻ sau 5 ngày.
Bất ngờ nổi tiếng do được fanpage triệu like tại Việt Nam chia sẻ video, tại sao nữ streamer Mỹ này vẫn tỏ ra không mấy hài lòng? - Ảnh 1.
Đoạn video được đăng tải lên fanpage của Anh Da Đen thu hút được lượng view "khủng"
Mặc dù trở nên nổi tiếng tại Việt Nam nhờ việc được Anh Da Đen đăng tải đoạn video, tuy nhiên Niki cảm thấy không mấy hài lòng với những người quản lý fanpage này. Bởi lẽ, không những fanpage Anh Da Đen đã tự ý sử dụng đoạn video này mà không ghi nguồn (credit) từ Niki; mà fanpage này còn chỉnh sửa để xóa watermark của cô và chèn watermark của fanpage. Ngoài ra, đoạn video còn bị lật (flip) và làm méo âm thanh, một cách làm phổ biến để "lách" các công cụ quét bản quyền tự động của nền tảng.
Bất ngờ nổi tiếng do được fanpage triệu like tại Việt Nam chia sẻ video, tại sao nữ streamer Mỹ này vẫn tỏ ra không mấy hài lòng? - Ảnh 2.
Niki nói về việc bị fanpage Anh Da Đen đăng video lên Facebook mà không ghi nguồn
"Họ không hề ghi nguồn tôi. Thực tế, họ làm điều hoàn toàn ngược lại. Họ cắt tên tôi khỏi video và đưa tên của họ vào", Niki nói trên livestream.
Đoạn video mang đến ban quản trị của fanpage Anh Da Đen nguồn thu, khi Facebook có cơ chế trả tiền dành cho các fanpage khi có lượng người xem nhất định. Ngoài ra, ban quản trị của Anh Da Đen cũng đăng tải dưới phần bình luận những link kiếm tiền "hoa hồng" (affiliate) của một sàn thương mại điện tử để có thêm nguồn thu.
Tham khảo các video khác của Anh Da Đen, gần như tất cả trong số đó đều đến từ các content creator (nhà sáng tạo) nội dung từ nước ngoài, nhưng không một video nào được ghi nguồn và đều bị gắn watermark riêng của fanpage. Tuy nhiên, fanpage này vẫn hoạt động trong suốt nhiều năm qua mà không gặp bất cứ trở ngại gì, thậm chí còn có lượng tương tác rất lớn. Trung bình, mỗi bài post của Anh Da Đen nhận được từ vài chục tới vài trăm nghìn lượt reaction.
Bất ngờ nổi tiếng do được fanpage triệu like tại Việt Nam chia sẻ video, tại sao nữ streamer Mỹ này vẫn tỏ ra không mấy hài lòng? - Ảnh 3.
Video từ các content creator nước ngoài được đăng tải tràn lan lên Facebook mà không gặp vấn đề về bản quyền
Vi phạm bản quyền là một tình trạng đã diễn ra tràn lan trên Facebook trong suốt thời gian qua. Khác với Youtube, mạng xã hội của tỷ phú Mark Zuckerberg vẫn chưa có những động thái quyết liệt nào nhằm ngăn chặn điều này.
Trước đây, nhiều fanpage núp bóng dưới dạng "review phim" đã bị lên án bởi hành vi vi phạm bản quyền. Thay vì "review" phim, nhưng fanpage này tóm tắt toàn bộ nội dung phim và sử dụng nhiều hình ảnh bản quyền, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà làm phim.
Khi mà vấn đề bản quyền của những bộ phim đình đám với sự chống lưng từ các studio lớn còn chưa thể giải quyết, rõ ràng, nó còn trở nên khó khăn hơn gấp nhiều lần đối với những content creator hoạt động độc lập. Đặc biệt, tại các quốc gia như Mỹ, nơi mà giới trẻ không mấy "mặn mà" trong việc sử dụng Facebook mà thay vào đó là Twitter, Instagram, TikTok, Snapchat; không phải content creator nào cũng biết tới việc video của mình đang bị một đơn vị khác đăng tải trái phép nhằm mục đích thương mại.
Đối với những content creator nhỏ như Niki, cô không kỳ vọng về việc có thể khiếu nại lên Facebook để được chia sẻ nguồn lợi nhuận từ những trường hợp "re-up" như Anh Da Đen. Nữ streamer này còn không dùng Facebook, và cô phải tạo một tài khoản "tạm" chỉ để bình luận dưới video. Và, tất cả những gì cô muốn chỉ là một vài dòng credit đến bản thân.
"Nếu bạn có ý định kiếm tiền từ video của tôi, tôi cũng không thể làm gì để cấm bạn được. Nhưng ít nhất thì cũng phải ghi tên tôi vào chứ?", Niki nói.(gamek.vn./bat-ngo-noi-tieng-do-duoc-fanpage-trieu-like-tai-viet-nam-chia-se-video-tai-sao-nu-streamer-my-nay-van-to-ra-khong-may-hai-long-20211118173435154.chn)